Cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có lẽ sẽ đi vào lịch sử bóng đá với những điều lạ kì của nó. Nền bóng đá với nhiều sự bất thường này còn những gì chưa được khám phá?
Nội dung chính
Nói về cuộc đối đầu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên suốt những ngày qua, người ta thường nhắc đến sự bí ẩn bất thường của nó, cùng với những câu chuyện có phần căng thẳng trong quá khứ, và cả trên sân. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, cách người Triều Tiên tiếp cận bóng đá là một màu sắc mới, là một điều thú vị mà nhiều người trong chúng ta chưa thực sự khám phá.
Vào năm 2013, một phóng viên của kênh nổi tiếng BBC đã có dịp trải nghiệm không khí bóng đá tại đất nước bí ẩn này. Tim Hartley - phóng viên có dịp xem 1 trận đấu bóng đá tại SVĐ Kim Nhật Thành đã chia sẻ.
"Cả SVĐ 50.000 chỗ ngồi được phủ kín bởi cùng một màu áo xanh bộ đội, cà-vạt đỏ và một loạt huy hiệu nhỏ đeo bên ngực. Tuy nhiên, những chiếc huy hiệu đó không in logo FC Bình Nhưỡng - đội bóng mà họ đang cổ vũ, mà là hình của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành".
Tim Hartley không phải người duy nhất kể câu chuyện thú vị này. Tại vòng loại World Cup năm 2010, trong trận cầu cuối cùng tranh vé chính thức đến VCK World Cup tại Nam Phi, ĐTQG Triều Tiên đã nhận được sự cổ vũ lớn lao, mang phong cách rất riêng biệt.
Trên sân nhà Bình Nhưỡng, toàn bộ chỗ trống được lấp kín bởi hàng vạn người hâm mộ mặc quân phục. Họ đánh nhịp điệu, cổ vũ và hát những ca khúc truyền thống hào hùng. Một sự cổ vũ được đánh giá là đề cao niềm tự tôn dân tộc, dành cho những binh lính ra trận. Năm đó, Triều Tiên tạo ra 1 vụ nổ khi có mặt tại World Cup kể từ năm 1966.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên đã có bước chuyển mình. Trên khán đài của đất nước Đông Á này giờ đây đã rực rỡ hơn sắc đỏ từ quốc kì, và trang phục tự do của người hâm mộ.
Không chỉ trận đấu với Hàn Quốc hay Li-băng tại vòng loại World Cup, bóng đá Triều Tiên nói chung luôn diễn ra với sự khép kín nhất định với thế giới.
Theo lời kể của Jorn Andersen - HLV nước ngoài đầu tiên của ĐTQG Triều Tiên, ở cấp CLB, thông tin và hình ảnh cũng được bảo mật không khác gì ĐTQG.
"Mọi người sẽ nhận được thông báo về trận đấu 1 ngày trước thời điểm diễn ra, qua loa phóng thanh bên ngoài SVĐ" - HLV Andersen chia sẻ.
Bóng đá là sự tự hào dân tộc! Đó chính là khẩu hiệu mà mọi cầu thủ, mọi người dân ở Triều Tiên thấm nhuần sâu sắc. Khẩu hiệu này đến từ chính lãnh đạo Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này cũng có nhiều khẩu hiệu khác như: "Thể thao góp phần xây dựng xã hội với khí phách cách mạng".
Bỏ qua vấn đề chính trị, trở lại thể thao, ở Triều Tiên, ĐTQG được coi là số 1 tại đất nước này. Thậm chí, các cầu thủ và CLB cũng dành sự tập trung hoàn toàn cho đội tuyển.
Cụ thể, các cầu thủ thuộc biên chế các CLB sẽ chỉ tập trung hội quân vào cuối tuần, trước ngày có trận đấu. Thời gian còn lại trong tuần, các cầu thủ là tuyển thủ quốc gia sẽ sinh hoạt trên đội tuyển, tập trung và giành sức lực cho 1 màu áo duy nhất.
Với người Triều Tiên, ĐTQG đạt thành tích tối cao là niềm tự hào của họ. Chẳng thế mà tiền đạo Jong Tae-se - niềm tự hào đưa Triều Tiên vào World Cup đã khóc nức nở trong khoảnh khắc quốc ca Triều Tiên vang lên trên đấu trường thế giới.
Chia sẻ với tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, cựu đại sứ Triều Tiên (hiện đang sống ở Anh) - ông Thae Yong-ho kể về 1 câu chuyện thể hiện khát khao của dân tộc này: "Ngày 13/10 là ngày Thể thao quốc gia của Triều Tiên, bởi vậy ở trận với Hàn Quốc 2 ngày sau đó, ông Kim Jong Un đã thẳng thắn chia sẻ rằng Triều Tiên không được phép thua trận đấu này".
Với các cầu thủ và VĐV thể thao tại Triều Tiên nói chung, cống hiến cho Tổ quốc thông qua thể thao là 1 sứ mệnh.
Đã 3 ngày kể từ sau khi trận đấu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khép lại. Đọng lại trong khán giả là nhiều cảm xúc, suy nghĩ trái chiều. Nhưng với cá nhân người viết, bóng đá là văn hóa, là tôn giáo. Và những màu sắc khác lạ như ĐTQG Triều Tiên, dù hay dở, xấu đẹp thế nào cũng đã góp phần làm cho thế giới bóng đá trở nên đa dạng. Sau cùng, khi mọi thứ rồi cũng ngã ngũ, dù chiến thắng hay thất bại thì điều cốt lõi cuối cùng người ta còn giữ lại với nhau, đó là những câu chuyện hay ho, để sau này kể lại...
>> "Nếu Hàn Quốc thắng, Son Heung-min sẽ rời sân với cái chân gãy"
>> Hàn Quốc và Triều Tiên chia điểm trong trận cầu lịch sử