Ngày càng xuất hiện những bàn phản lưới nhà ở các trận đấu thuộc 2 kì Euro gần nhất: 2020 (tổ chức năm 2021) và 2024.
Ở Euro năm nay, Ivan Schranz (Slovakia), Jamal Musiala (Đức) và Georges Mikautadze (Georgia) đang dẫn đầu cuộc đua vua phá lưới với cùng 3 pha lập công. Tuy nhiên, số pha lập công mà 3 cái tên kể trên có được còn thua xa... số bàn phản lưới nhà xuất hiện trên đất Đức hè này.
Với tình huống đốt đền của Robin Le Normand (Tây Ban Nha) ở trận gặp Georgia vòng 1/8 Euro 2024 diễn ra vào rạng sáng nay (1/7) theo giờ Việt Nam, đã có đến 8 pha đốt lưới nhà xuất hiện ở giải đấu năm nay dù mới đi được hơn nửa chặng đường.
Con số 8 bàn phản lưới nhà đầy ấn tượng này đã tiệm cận với những gì xảy ra ở kì Euro cách đây 3 năm. Tổng cộng 11 lần đưa bóng vào lưới nhà đã xuất hiện ở giải đấu được tổ chức tại các thành phố lớn trên khắp châu Âu này.
Thậm chí, tổng số bàn phản lưới ở 2 giải đấu gần nhất đã nhiều hơn gấp đôi tất cả các kì Euro trước đây cộng lại. Năm 1976, Anton Ondrus (Tiệp Khắc) là cầu thủ đầu tiên phản lưới nhà ở các kì Euro, sau đó 40 năm, mới chỉ có thêm 8 lần đốt đền ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu cấp độ đội tuyển quốc gia.
Với việc bóng đá ngày càng phát triển, các huấn luyện viên giờ đây yêu cầu các cầu thủ tạt bóng sệt, căng ngang thật mạnh vào phía trong thay vì treo bóng bổng như trước đây, chỉ cần một điểm cắt, bóng sẽ rất dễ bay theo quỹ đạo không mong muốn. Bàn phản lưới nhà của Donyell Malen (Hà Lan) ở trận đấu với Áo thuộc vòng bảng Euro năm nay là một ví dụ điển hình.
Chưa kể đến những yếu tố khác như sự thiếu ăn ý trong phòng ngự, thủ môn không giao tiếp tốt với các đồng đội ở phía trên hay việc chơi bóng thiếu tập trung, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các bàn phản lưới ở thời điểm hiện tại.
Trong lịch sử các kì Euro, Pháp đang là đội tuyển được hưởng lợi nhất khi chưa phải nhận bàn thua từ các pha phản lưới nào, trong khi Bồ Đào Nha và Slovakia là 2 đội đen đủi nhất khi có cùng 3 lần đốt lưới nhà.