Quảng cáo

Góc tuyển Đức: Bình mới nhưng rượu cũ

Thứ năm, 17/06/2021 11:54 AM (GMT+7)

Đẳng cấp là hai từ dùng để nói về chiến thắng của tuyển Pháp trước người Đức. Với một đội hình có chiều sâu và những cá nhân có thể tạo ra khác biệt, không khó để Les Bleus luôn là người cầm đằng chuôi trong cuộc quyết đấu sinh tử này.

Với những cỗ xe tăng Đức, sự bất lực và bế tắc mà họ trải qua suốt 90 phút trên sân vận động Allianz không khác gì màn trình diễn của chính họ với Pháp tại Euro 2016 hay với Thuỵ Điển và Hàn Quốc tại Word Cup 2018.

Đức ổn định nhưng thiếu đột biến

Chuyên trang thống kê Whoscored chỉ ra rằng, tuyển Đức chỉ có duy nhất một lần qua người ( những tình huống 1vs1) thành công ở trận đấu với Pháp. Nó đến từ vị trí của Joshua Kimmich, người đóng vai hậu vệ cánh phải trong đội hình của Joachim Low.

Ở phía đối diện, Pháp với 10 lần trở thành đội bóng có số lần qua người thành công nhiều nhất kể từ đầu giải. Nhìn rộng hơn, Paul Pogba cầu thủ có 3 lần qua người thành công ( nhiều nhất trận ) trở thành cầu hay nhất trận.

Nguồn: Internet
Pogba là cầu thủ hay nhất trận

Sự đột biến không thể nằm ở tập thể nó phải nằm ở từng cá nhân. Không quá khi cho rằng, Pháp thắng vì họ biết cách chiến thắng trong những cuộc đấu 1vs1.

5 quyền thay người của Joachim Low cũng không giúp tuyển Đức có thêm bất kỳ một cú dứt điểm trúng đích nào khi trận đấu kết thúc. 69% thời lượng kiểm soát bóng bỗng hoá vào hư vô như cú búng tay của Thanos.

Hansi Flick khi lên nắm quyền Bayenr Munich cực kì trọng dụng những người như Kingsley Coman hay Ivan Perisic, không phải bởi họ xuất sắc hơn những chân chạy cánh mang trong mình DNA của người Đức, mà đơn giản bởi sự đột biến mà những cá nhân này đem lại.

Tuyển Đức hay nhưng thiếu một chút gì đó để thắng. Và ở một giải đấu mà yếu tố tình huống quan trọng hơn chiến thuật thì một vị tướng tài đôi khi còn có giá trị hơn một đoàn quân thiện chiến.

Vấn đề của tuyển Đức không nằm ở lối chơi và chưa bao giờ nằm ở tập thể, nó nằm ở sự riêng biệt ở từng cá nhân. Đã bao nhiêu năm kể từ ngày cầu thủ Đức gần nhất đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong năm, đã bao lâu kể từ ngày người Đức sản sinh ra một Manuel Neur đặc biệt với cá tính độc nhất vô nhị.

Người Đức luôn sản sinh ra các cá nhân giỏi nhưng chưa đủ kiệt suất.

Người Đức đã lỗi thời?

So với Euro 2016 hay trên đất Nga cách đây 3 năm, tuyển Đức đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự. Những cầu thủ trẻ trung hơn, tiềm năng hơn được sử dụng bên cạnh một dàn chiến binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Cùng với đó là một nền tảng lối chơi đã được xây dựng suốt từ triều đại của Jurgen Klinsmann từ năm 2006.

Với những tiền đề như vậy, đáng lẽ tuyển Đức phải là ứng viên số 1 cho chức vô địch. Nhưng ở bảng F tại Euro năm nay, Đức bị đánh giá thấp nhất trong số 3 ông kẹ tại bảng tử thần. Đơn giản bởi Pháp quá khác biệt và Bồ Đào Nha có Ronaldo.

Người Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng của họ và lẽ dĩ nhiên thay đổi sớm thì cũng lỗi thời sớm. Trái ngọt tại Word Cup 2014 đã được người Đức “thụ lộc”, với Pháp họ đi sau nhưng thành công hơn và đang tận hưởng thành quả.

Nguồn: Internet
Đức hay nhưng chưa đủ để mơ vô địch?

Đoàn quân áo trắng vẫn thể hiện sự vượt trội ở khả năng kiểm soát bóng kể cả trước một đối thủ mạnh như Pháp. Họ vận hành trơn tru như một cỗ máy chỉ cần bấm nút là sẽ khởi động.

Lối chơi tấn công đa dạng, bài bản và phóng khoáng vẫn được sử dụng. Họ tốc độ khi tấn công, vững vàng khi phòng ngự, vượt trội về các chỉ số thống kê nhưng thua trên bảng tỷ số.

Nhìn cái cách Pogba chuyền bóng như rót thuốc độc vào hệ thống phòng ngự của tuyển Đức, hay cái cách Mbape nhảy múa trước vòng vây của các trung vệ đội nhà. Người Đức hiểu được một điều, con người luôn chiến thắng máy móc.

Thất bại vừa qua chỉ đơn giản là tiếp nối những nỗi đau tại Word Cup 2018. Một tuyển Đức hay nhưng cũ kỹ, quyết tâm nhưng thiếu ý chí, tập thể xuất sắc nhưng cá nhân thiếu đột biến và lối chơi thì đã bị bắt bài. Một tuyển Đức mới ở bên ngoài nhưng quen thuộc ở bên trong.

Theo dõi Thethao247 trên
Quảng cáo
Tin liên quan