Quảng cáo

Khác biệt giữa HLV Troussier và Park Hang-seo khi đấu Nhật Bản

Thứ hai, 15/01/2024 11:10 AM (GMT+7)

Hai HLV với 2 triết lý riêng biệt đã mang lại những thông số thống kê khác nhau khi dẫn dắt Việt Nam đấu Nhật Bản.

HIGHLIGHTS VIỆT NAM 2-4 NHẬT BẢN

Việt Nam đã có màn trình diễn quả cảm và chịu thua 2-4 trước Nhật Bản ở trận mở màn bảng D Asian Cup 2024. Đây cũng là trận đấu đầu tiên mà HLV Troussier dẫn dắt các cầu thủ Việt Nam thi đấu với Nhật Bản.

Nhìn lại từ năm 2019 tính tới trận vừa rồi, Việt Nam và Nhật Bản gặp nhau 4 lần ở các giải chính thức. Kết quả thua 2-4 mới đây cũng là trận đấu mà Việt Nam để thủng lưới nhiều nhất trong vòng 4 năm qua trước Nhật Bản.

Tại Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo thua trận với tỉ số 0-1. Đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Việt Nam thua 0-1 ở lượt đi và hòa 1-1 ở lượt về. Trận lượt về trên đất Nhật Bản năm 2022 cũng là thành tích tốt nhất mà HLV Park Hang-seo làm được trước Samurai xanh khi dẫn dắt ĐT Việt Nam.

Đã có nhiều sự so sánh về ĐT Việt Nam dưới triều đại HLV Troussier và người tiền nhiệm Park Hang-seo. Hãy nhìn những thông số thống kê dưới đây để nhận thấy sự khác biệt rõ nét giữa hai nhà cầm quân.

Xét về mặt kết quả, rõ ràng trận hòa của HLV Park Hang-seo cùng ĐT Việt Nam là tốt hơn kết quả thua vừa rồi. Một điểm giành được tại VL thứ ba World Cup 2022 thực sự là kết quả nằm ngoài sự mong đợi của người hâm mộ.

vietnam-nhat-ban-19-1705290489.jpeg
ĐT Việt Nam khi hòa 1-1 Nhật Bản năm 2022

Với những thông số khác phản ánh lối chơi thì sao?.

HLV Troussier yêu thích lối chơi kiểm soát bóng, trong khi HLV Park nổi tiếng với lối chơi phòng ngự chặt chẽ. Điều này đã được thể hiện rõ nét ở những thông số thống kê ở 2 trận gặp Nhật Bản gần đây.

Đội tuyển Việt Nam ở trận thua 2-4 mới đây kiểm soát bóng lên tới 42%, số lượt chuyền bóng là 533, không thua kém quá nhiều so với 741 lần của Nhật Bản và đáng chú ý những đường chuyền của Việt Nam có độ chính xác lên tới 81%. Trong khi đó ở trận hòa 1-1 hồi năm 2022 dưới thời HLV Park, Việt Nam chỉ cầm bóng 28%, với 277 đường chuyền và tỉ lệ chuyền chính xác chỉ là 64%, lép vế hoàn toàn so với 72% kiểm soát bóng, 713 đường chuyền và 87% chính xác của Nhật Bản.

Những thông số thống kê này phản ánh rõ ràng hai triết lý cầm quân khác nhau của HLV Troussier và Park Hang-seo.

doi-tuyen-viet-nam
ĐT Việt Nam dám chơi tấn công chủ động hơn trước Nhật Bản dưới thời HLV Troussier

Cũng bởi lối chơi thiên về phòng ngự, ĐTVN dưới bàn tay huấn luyện của HLV Park Hang-seo thường không thua quá đậm khi gặp Nhật Bản. 3 trận gặp Nhật Bản ở những giải chính thức, Việt Nam chỉ thủng lưới 3 lần. Nhưng cũng vì ưu tiên phòng ngự và chớp thời cơ phản công, vì thế 3 trận Việt Nam cũng chỉ ghi được 1 bàn, thậm chí ở trận hòa 1-1 chúng ta cũng chỉ tung ra được 1 cú sút, chỉ số bàn thắng kỳ vọng chỉ ở mức khá thấp là 0.07.

HLV Troussier lại khác, ông muốn các học trò cầm bóng và phát triển lối chơi. Gặp Nhật Bản, Việt Nam vẫn phải phòng ngự nhiều hơn nhưng cũng chủ động tấn công một cách có đường nét. Riêng ở trận vừa qua, Việt Nam đã sút 6 lần với 3 lần trúng đích và ghi 2 bàn thắng, với chỉ số bàn thắng kỳ vọng lên tới 0.94. Thậm chí bàn thắng của Việt Nam còn buộc Nhật Bản ở vào thế bám đuổi chứ không phải chỉ là bàn rút ngắn tỉ số.

Có thể thấy với lối chơi của HLV Park Hang-seo, Việt Nam rất mạnh trong phòng ngự nhưng bị hạn chế khi chơi tấn công. Còn với HLV Troussier, ông giúp ĐT Việt Nam chơi bóng chủ động hơn trong tấn công trước Nhật Bản nhưng hàng phòng ngự chưa chặt chẽ khiến Việt Nam không có điểm ở trận vừa rồi.

Những thống kê kể trên chỉ để cho thấy sự khác biệt về triết lý của hai HLV kể trên khi dẫn dắt ĐTVN. Cũng phải thừa nhận rằng lực lượng của Việt Nam ở trận gặp Nhật Bản mới đây có nhiều sứt mẻ, đặc biệt là ở hàng thủ. Vì thế vẫn có thể kỳ vọng vào sự cải thiện mạnh mẽ hơn của đội tuyển trong những trận đấu kế tiếp, đặc biệt là ở khâu phòng ngự.

Lịch thi đấu Asian Cup

Theo dõi Thethao247 trên
Quảng cáo
Tin liên quan