Quảng cáo

ĐT Thái Lan: Gã khổng lồ liệu có ‘đánh rơi’ AFF Cup 2018?

05/10/2018 18:57 (GMT+7)

Thể Thao 247 - ĐT Thái Lan thực sự là một thế lực đã thống trị bóng đá Đông Nam Á nhiều năm qua, nhưng điều đó có thể sẽ không còn đúng tại AFF Cup 2018.

AFF Cup 2018 đã ở rất gần. Ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực năm nay diễn ra với một thể thức mới, nhưng những ứng viên vô địch thì vẫn rất cũ. Singapore, Việt Nam, Malaysia đã từng có những quãng thời kỳ vàng son của mình, nhưng vào bất kể thời điểm nào, đối thủ đáng gờm nhất của một đội bóng muốn vô địch Đông Nam Á, luôn là Thái Lan.

Thuở sơ khai và những giải tầm thế giới - châu lục

Thái Lan là một trong số ít những LĐBĐ đầu tiên được thành lập ở Đông Nam Á. Năm 1916, tiền thân của tổ chức này là LĐBĐ Siam đã được thành lập. Nhưng trước đó 1 năm, ĐTQG Siam đã có trận đấu đầu tiên với một đối thủ châu Âu. Tuy vậy, phải tới năm 1930, Thái Lan mới có trận đấu giao hữu quốc tế được FIFA công nhận.

Thời kỳ ấy, chẳng có nhiều giải đấu cho đội bóng Đông Nam Á tham gia, ngoài giải tiền thân của SEA Games là SEAP Games, mà người Thái phải mất tới 4 kỳ mới có thể lên ngôi vô địch. Thế nhưng, Thái Lan lại có tới 2 lần dự Olympic vào thời điểm ấy, đồng thời có một lần giành hạng 3 châu Á.

ĐT Thái Lan, AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam

Thực tế, Thái Lan dự Olympic 1956 trong bối cảnh họ được miễn vòng loại vì Iran và Afghanistan bỏ cuộc. Do đó, cả họ và Ấn Độ, những đội đáng ra là đối thủ của nhau được dự thẳng Olympic. Vào VCK, người Thái thì thua đậm tuyển Vương Quốc Anh với tỷ số 9-0. Tương tự, năm 1968, Thái Lan thua trắng cả 3 trận đấu vòng bảng của mình.

Tại Asian Cup 1972, Thái Lan xếp thứ 3 toàn giải, nhưng đó là khi họ chỉ giành 1 điểm sau 2 trận đấu vòng bảng (hòa Iraq thua Iran) và vẫn đi tiếp nhờ hiệu số. Trên sân nhà, Thái Lan thua Hàn Quốc ở bán kết, trước khi đả bại Cộng hòa Khmer (tiền thân của Campuchia) trên chấm 11m ở trận tranh hạng 3.

Thế hệ vàng của bóng đá Thái Lan và sự thống trị toàn diện tại Đông Nam Á

Thế hệ vàng của bóng đá Thái Lan bắt đầu từ những năm 1990. Với những trụ cột như Kiatisuk  Senamuang, Tawan Sripan và Dusit Chalermsan, Thái Lan giành chiến thắng ‘để đời’ trước Hàn Quốc vào năm 1992. Sau đó, họ được coi là mạnh nhất Đông Nam Á và liên tiếp dự Asian Cup từ năm 1992 tới năm 2004.

Tại khu vực luôn được coi là 'vùng trũng' của bóng đá thể với, có thể phần nào khẳng định rằng Thái Lan thống trị ở bộ môn túc cầu. Thời SEA Games vẫn còn sử dụng đội tuyển quốc gia cho môn bóng đá, Thái Lan vô địch 4 lần liên tiếp từ năm 1993 tới năm 1999 với sự áp đảo trong lối chơi. Nhưng tại AFF Cup (Tiger Cup), mọi chuyện có nhiều khó khăn.

ĐT Thái Lan, AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam

Với Kiatisuk và các đồng đội, họ dễ dàng lên ngôi vô địch tại lần tổ chức đầu tiên của Tiger Cup, Singapore 1996. Tuy nhiên, trên đất Việt Nam năm 1998 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thái Lan, cùng với Indonesia vướng vào một trận đấu chủ động thua cuộc tai tiếng nhất khu vực, với mục tiêu là chỉ để tránh đội chủ nhà Việt Nam ở bán kết. Kế hoạch của họ thất bại khi hậu vệ đối thủ sút thẳng về lưới nhà, và sau đó thúc thủ trước Việt Nam 3-0 ở bán kết – trận thua đậm nhất của Thái Lan tại đấu trường khu vực tính tới thời điểm này. Dẫu vậy, người Thái vẫn vô địch 2 lần tổ chức sau đó của Tiger Cup.

Sau này, khi LĐBĐ Thái Lan tập trung vào các giải châu lục, Thái Lan đánh rơi vị thế của mình tại Tiger Cup. Họ để thua Singapore, Việt Nam và Malaysia tại những trận chung kết và trải qua quang thời gian 12 năm không hề biết tới ngôi vị vô địch khu vực. Tới năm 2014, Kiatisuk mới có thể đem vinh quang trở về với xứ sở chùa vàng.

Hướng tới châu lục, gã khổng lồ có ‘đánh rơi’ AFF Cup 2018?

HLV Kiatisuk từ chức HLV trưởng ĐTQG Thái Lan vào năm 2017, nhường lại vị trí của mình cho một người thầy ngoại, Milovan Rajevac. Thành tích đưa tuyển Ghana vào đến tứ kết World Cup là quá đủ để chứng minh tài năng của ông, nhưng NHM thì lại nghi ngờ nhiều hơn là tin tưởng.

Dưới thời Kiatisuk, Thái Lan chơi một thứ bóng đá tấn công kiểm soát khiến những đối thủ dưới cơ phải cảm thấy ngộp thở. Ngòi nổ Chanathip Songkrasin cộng với sự xuất sắc của những Dangda, Narubadin, Yooyen, Kawin... ở mọi tuyến khiến cho mọi đội bóng ở Đông Nam Á phải chấp nhận phận chiếu dưới. Tuy nhiên, thời kỳ ấy giờ đã không còn đối với xứ sở chùa Vàng.

ĐT Thái Lan, AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam

Với mục tiêu vươn tầm châu lục và phần nào là ra cả thế giới, ông Milovan Rajevac thực hiện những thay đổi mang tính chiến lược. Những hậu vệ có tốc độ, sự thông minh và tinh quái dần biết mất, thay vào đó là các cầu thủ Thái kiều cao lớn nhưng có phần vụng về. Ở vòng loại World Cup 2018, Thái Lan chủ yếu thi đấu phòng ngự số đông với sự xuất sắc của Kawin trong khung gỗ. Ở phía trên, Songkrasin cùng Dangda buộc phải làm quen với việc phản công ít người. Họ vẫn có những trận đấu tốt trước Úc và Iraq, nhưng chừng đó là chưa đủ để giúp bóng đá Thái có được những kết quả có lợi.

Với Milovan Rajevac, Thái Lan phòng ngự nhiều hơn là tấn công. Trong những chiến thắng trước Myanmar rồi Kenya những ngày đầu ông thầy người Serbia nắm quyền, người ta thấy bóng dáng những pha lên bóng thời Kiatisuk trong bàn thắng của Mongkol hay Dangda. Đang tiếc cho Rajevac, cả 2 sẽ không dự AFF cup 2018.

Trong năm 2018, ĐT Thái Lan mới thi đấu 3 trận. Họ thua 2, hòa 1 và chỉ ghi được 2 bàn thắng. Một trong số đó đến từ pha phối hợp phạt góc. Gần nhất, họ thua Trung Quốc 0-2 trong một trận cầu mà rõ ràng là hàng công đã không thể làm tốt nhiệm vụ của mình.

ĐT Thái Lan, AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam

Đáng nói hơn nữa, ở AFF Cup 2018, nhiều khả năng Thái Lan sẽ không thể có được sự phục vụ của 2 ngôi sao số 1 trên hàng công là Chanathip Songkrasin và Terrasil Dangda, những người chỉ có thể tham dự Asian Cup 2019. Những sự thay thế của họ có một khoảng cách trình độ rất lớn. Adisak Kraisorn sở hữu phong độ tệ hại, Chananan Pombuppha và Supachai Jaided thì còn quá trẻ. Tiền đạo ‘khổng lồ’ Siroch Chatthong thậm chí còn không được triệu tập sau khi không thể ghi được bàn thắng nào trong 2 năm.

HLV Milovan Rajevac không giỏi tấn công và ưu tiên những cầu thủ có ngoại hình tốt, lối chơi bóng chắc chắn. Đội bóng thì thiếu đi những ‘cây săn bàn’ hàng đầu, do đó, NHM sẽ không còn được thấy một hình ảnh hoa mỹ tại AFF Cup năm nay.

Dẫu vậy, Thái Lan vẫn sẽ là ứng viên số 1 cho chức vô địch. “Tấn công tạo nên một chiến thắng, phòng ngự tạo nên một chức vô địch” – Hẳn chưa ai quên câu nói ấy của HLV nổi tiếng Jose Mourinho.

05.10.2018