Quảng cáo

ĐTQG Myanmar - Bao giờ cho đến ngày xưa

06/10/2018 00:15 (GMT+7)

Thể Thao 247 - ĐT Myanmar đến với AFF Cup cùng ước vọng sẽ làm nên điều bất ngờ trước những đối thủ cứng cựa Việt Nam và Malaysia. Nhưng tham vọng của họ bị ngăn cản bởi chính thực lực còn hạn chế.

Một thời oanh liệt

Ít người biết Myanmar từng có nền bóng đá vẻ vang. Ngày nay họ phải chật vật khi đối đầu với những đối thủ cùng khu vực như Thái Lan, Việt Nam hay Malaysia thì quay trở lại nửa thế kỷ, Myanmar từng là cạ cứng và đối thủ thách thức các cường quốc như Hàn Quốc hay Iran.

Còn nhớ tại Asian Cup 1968, Myanmar vượt qua một loạt các đối thủ mạnh để tiến vào trận chung kết. Họ chỉ chịu khuất phục trước Iran quá mạnh vào thời điểm đó. 4 năm sau họ còn tạo nên thành tích đáng kinh ngạc hơn khi vượt qua vòng loại để góp mặt tại Olympic 1972 tổ chức ở Tây Đức.

myanmar

Trước những đội bóng sừng sỏ như Xô Viết hay Mexico, Myanmar chỉ chịu khuất phục với tỷ số sít sao 0-1. Họ còn làm nên lịch sử khi lần đầu tiên có một trận thắng tại kỳ Olympic với việc vượt qua Sudan ở lượt trận cuối cùng. Kết thúc giải năm đó, BTC đã trao giải thưởng Cống hiến cho ĐT Myanmar.

Dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Sein Hlaing, Myanmar 5 lần lên ngôi vô địch SEAP Games (tiền thân của SEA Games) trong giai đoạn từ 1965-1973. Nhìn lại ánh hào quang ấy, NHM bóng đá Myanmar có lẽ cảm thấy buồn cho thực tại.

Chế độ độc tài và cái chết của bóng đá

Từ xa xưa, Myanmar (hay Miến Điện) có một môn thể thao chinlone, môn này tương tự như bóng đá, cần sự thanh thoát và khéo léo của đôi chân. Nhờ một người Anh có tên George Scott, bóng đá dần du nhập vào quốc gia Đông Nam Á này.

Người Myanmar từ lúc lọt lòng đã sớm làm quen với trái bóng, họ mang trong người tố chất bẩm sinh của trò chinlone, lại được thừa hưởng trực tiếp từ "quê hương bóng đá". Vì vậy mà những năm 50, 60 của thế kỷ trước, bóng đá Myanmar sở hữu tiềm năng phát triển lớn.

Nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt. Trải qua biến cố chính trị năm 1962, bóng đá Myanmar lãnh hậu quả nặng nề. Đất nước đi theo con đường cai trị toàn trị, đất nước Myanmar bị tách biệt khỏi thế giới và bóng đá vì thế cũng chỉ quanh quẩn trong đất nước đầy lũng đoạn. Trước kia, các đội bóng hoạt động theo mô hình 2-1, tức là cứ 2 cầu thủ bản địa thì 1 cầu thủ người Anh.

myanmar

Nhưng kể từ khi chiến dịch "Bài ngoại quốc" ra đời, bóng đá không còn cơ hội giao du, hội nhập. Đất nước thiếu kinh phí, lo giải quyết xung đột giữa các cộng đồng dân tộc thì đương nhiên bóng đá, một vấn đề không ảnh hưởng tới sự sống còn sẽ chẳng được quan tâm.

Một tác giả từng viết sách về chính trị và bóng đá có một câu nói ví von đúng hoàn cảnh Myanmar trong những năm tháng u tối: “Tôi cho rằng bóng đá hiện chính là biểu tượng phản ánh chính xác nhất về đất nước Myanmar, nơi không thiếu tài năng, nhưng đang bị lãng phí. Tình trạng ấy chẳng khác nào hiện thực xã hội, nơi những người giỏi nhất không có cơ hội ngóc đầu lên”.

Kinh tế phục hồi, niềm tin với bóng đá cũng dần trở lại

Trong những năm trở lại đây, với việc nền kinh tế dần hồi phục, đất nước mở cửa tạo điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài nên nền bóng đá nước này cũng được hưởng lợi.

Bóng đá trẻ đã được chú trọng đầu tư phát triển hơn nhiều. Các giải trẻ từ cấp độ U12 liên tục được tổ chức nhằm tìm kiếm các tài năng. Và trái ngọt đã đến với Myanmar. Tại VCK U19 châu Á 2014, Myanmar tạo cú sốc khi vào tới bán kết và chỉ phải dừng bước trước Qatar. Nhưng dù sao, Myanmar cũng đã lấy được 1 trong 4 tấm vé dự U20 World Cup, điều mà 2 năm sau thầy trò Hoàng Anh Tuấn mới làm được. Cũng ở giải năm đó, U19 Việt Nam với lứa cầu thủ HAGL xuất sắc Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh vỡ mộng châu lục khi xếp cuối bảng.

myanmar

Không chỉ là thành tích ở cấp độ tập thể, các cá nhân xuất sắc cũng lần lượt xuất hiện. Điển hình là Aung Thu - ngôi sao đang thi đấu như lên đồng tại Thai League. Anh chàng này là người tung cú đấm quyết định hạ gục lứa U19 của Công Phượng trong trận chung kết cúp nhà Vua Brunei.

Mới bước sang tuổi 22, Aung Thu đã mạnh dạn thử sức ở Thai League và khẳng định tên tuổi. Tại AFF Cup tới đây, Aung Thu sẽ là lá cờ đầu cho ngọn lửa hi vọng đang rực cháy trong lòng NHM bóng đá Myanmar.

Biết đâu đấy, ĐTQG Myanmar sẽ lại tái hiện điều mà lứa U19 của họ làm được cách đây 4 năm. bởi lần này Aung Thu và các đồng đội sẽ lại đối mặt với Công Phượng, Xuân Trường,... những kẻ bại trận dưới tay họ. Dù vậy 4 năm đã qua và trái bóng luôn quay tròn, nhiều thứ đã đổi khác, đối thủ đã không còn non nớt như xưa nhưng niềm tin thì vẫn còn đó.

Giải đấu cao nhất của bóng đá Đông Nam Á là nơi Myanmar chưa từng vươn tới. Năm 2016 cũng là lần duy nhất họ vượt qua vòng bảng. Đây cũng trở thành nguồn động lực với tiền vệ trụ cột Maung Maung Lwin:

"Trận đầu tiên tại AFF Cup 2016 chúng tôi đối đầu với Việt Nam, Myanmar thua 1-2 đầy kịch tính. Sau đó chúng tôi đã cố gắng để giành quyền vào bán kết, và chúng tôi đã làm được trước khi thua Thái Lan trong trận tranh quyền vào chung kết.

Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng cho trận gặp Việt Nam, sẵn sàng hướng tới mục tiêu vào bán kết một lần nữa."

Hi vọng về chiến tích tại AFF Cup 2018 sẽ vẫn cháy bỏng như cái cách mà họ bất ngờ có được tấm vé dự World Cup U20 vậy. Dù sao, người Myanmar hãy cứ đặt niềm tin đi, vì không có niềm tin thì sẽ chẳng làm được gì cả.

06.10.2018