Quảng cáo

Chuyện Kiatisuk làm HLV ĐTQG Việt Nam: Có khác gì thầy nội?

Hữu Doãn Hữu Doãn
Thứ năm, 21/09/2017 20:03 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - HLV Kiatisuk có lẽ sẽ khó có thể tạo nên sự khác biệt nếu dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, bởi nhiều nguyên do khác nhau.

VIDEO: Lối chơi đẹp mắt của Thái Lan dưới thời HLV Kiatisuk

Kể từ ngày ông Nguyễn Hữu Thắng đột ngột từ chức sau thất bại thảm hại của đội U22 Việt Nam tại SEA Games 29, chiếc ghế nóng mang tên HLV trưởng ĐTQG trở thành chủ đề bàn tán của cả làng bóng Việt. Rất nhiều những vị thuyền trưởng đại tài ngoại quốc đã nộp đơn, Đức có, Nhật có, Pháp có… nhưng VFF vẫn đang lưỡng lự.

Trong cuộc loạn chiến để giành chiếc ghế nóng ấy, không khó để nhận thấy có sự nổi lên những HLV quen thuộc. HLV Riedl, HLV Calisto, HLV Miura đã được nhắc đến tên, một điều không khó hiểu khi đó là những cái tên vốn đã quen thuộc với truyền thông Việt Nam.Thế nhưng, nổi bật nhất có lẽ là HLV Hoàng Anh Tuấn và HLV Kiatisuk.

Ông Hoàng Anh Tuấn với rất nhiều chiến tích ở giải trẻ nhanh chóng ‘ghi điểm’ trong mắt NHM và cả giới chuyên môn, nhưng trong tình cảnh một VFF đang rối như canh hẹ về vấn đề chia bè phái để đấu nhau, một HLV nội có cá tính như ông Tuấn khó được lòng cả đôi bên.

Vậy là HLV Kiatisuk nghiễm nhiên trở thành một trong những cái tên được ưa thích nhất, và thật may mắn làm sao, ông vừa từ bỏ chức vụ đương nhiệm tại CLB của Thái Lan để trở thành một HLV tự do. Rất nhanh chóng, Kiatisuk trở thành ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế nóng.

Thế nhưng, liệu thực sự Kiatisuk có phải là phương án khả dĩ nhất để kế nhiệm ông Thắng? Đứng dưới góc nhìn chủ quan của tác giả, e rằng đây là một điều khó. HLV Kiatisuk có lẽ sẽ chẳng thể tạo nên sự khác biệt vì nhiều lý do.

Đầu tiên, hãy nói về vấn đề chuyên môn. HLV Kiatisuk tạo được rất nhiều ấn tượng khi ông còn dẫn dắt ĐTQG Thái Lan. Lối chơi Thái ‘Tiktok’ quả thực là một nỗi ác mộng của các đội bóng Đông Nam Á, trong đó chính Việt Nam đã từng nếm trải trận thua 0-3 ngay trên sân nhà. Ngoài ra, ông còn dẫn dắt Những chú voi vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2018, một thành tích đáng nể.

Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng Thái Tiktok sẽ mang lại thành công cho ĐTQG Việt Nam thời điểm hiện tại, bởi yếu tố chênh lệnh về con người là khá lớn. HLV Hữu Thắng trước đó cũng mang một lối chơi tương tự, dựa vào kiểm soát và chèn ép đối phương và đã tạo được những hiệu quả bước đầu, nhưng rồi lần lượt thất bại ở AFF Cup 2016 và SEA Games 29 cũng bởi chính chiến thuật duy nhất đó.

Lý do thất bại của HLV Hữu Thắng là rất rõ ràng, như đã được nêu trong buổi họp của VFF: ‘Tâm lý các cầu thủ không ổn định ở giải đoạn then chốt’. Điều này liệu HLV Kiatisuk có thay đổi được không, rất khó để xác định dù trong bộ sậu của ông, không có HLV tâm lý.

Trong khi đó, lối chơi Thái Tiktok của Kiatisuk tuy trông rất mượt mà, nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào hai vị trí quan trọng: tiền đạo cắm và trung vệ. Ông sử dụng sơ đồ có 2 tiền đạo trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây và rất ưa thích Dangda cùng trung phong to con Chatthong, những mẫu tiền đạo cắm cổ điển. Đó là điều mà bóng đá Việt Nam rất thiếu thời điểm hiện tại.

Trước đó, HLV Kiatisuk đá 4-3-3 và tổ chức tấn công vô cùng hiệu quả, nhưng điều đó phụ thuộc rất lớn vào sự chắc chắn của bộ đôi trung vệ, những người luôn phải sẵn sàng ‘đua tốc độ’ với tiền đạo đối phương mỗi khi Tristian Đỗ và Theerathon dâng cao. Ở Việt Nam hiện tại, có lẽ chẳng có trung vệ nào có thể thi đấu theo phong cách này một cách xuất sắc, ngoại trừ Quế Ngọc Hải. Cuối cùng, cầu thủ quan trọng nhất trong mọi sơ đồ của ông Sắc, Chanathip ở vị trí số 10, thì rõ ràng chẳng cầu thủ Việt Nam nào có thể sánh bằng.

Rõ ràng, ông Sắc sẽ khó mà áp dụng lối chơi thân quen đó với ĐTQG Việt Nam. Ở vòng loại World Cup vừa qua, dù gặp đối thủ lớn, Kiatisuk cũng chỉ có 'một bài' như vậy để rồi thua tan nát. Thế nên, chẳng khó hiểu khi lần lượt HAGL và Port FC đều thất bại dưới tay cựu tiền đạo nổi danh của Thái Lan.

Thứ hai, quan trọng hơn, là mối quan hệ ‘sắt son’ của Kiatisuk với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bầu Đức. Những tưởng đây là điều tốt nhưng thực tế không phải vậy.

Bởi ai cũng rõ, một trong những vấn đề mà truyền thông Việt Nam luôn nói tới khi tuyển HLV nội, đó là sự chi phối đến từ các thành viên khác nhau của VFF, thậm chí là cả các CLB. Đến giờ thì ai cũng ngầm hiểu rằng, HLV Hữu Thắng có mối quan hệ thân thiết với bầu Đức, trong khi HLV Hoàng Anh Tuấn và PCT Nguyễn Quốc Tuấn lại ‘chơi với nhau’. Nếu bây giờ ‘đưa’ ông Sắc ‘lên’, dù có mác là HLV ngoại, nhưng chắc chắn sẽ chẳng tập trung 100% vào chuyên môn như những gì NHM kỳ vọng. Và rồi cái cảnh ‘phe phái’ của VFF sẽ còn tiếp diễn trường kỳ.

Và rồi, sẽ đến lúc chẳng ai lạ nếu có 'cả chục' cầu thủ của một đội bóng lên tuyển và ĐTQG lại trình diễn thứ bóng đá tấn công thuần khiết ấy, đến nỗi bất chấp cả thắng thua.

Nếu thực sự VFF có thể bỏ qua những vấn đề kể trên, thì họ vẫn còn gặp trở ngại cuối cùng, nhưng lại có cái tên là ‘đầu tiên’. Bầu Đức liệu có sẵn sàng ‘tài trợ’ 1,4 tỷ/tháng cho Kiatisuk và bộ sậu, khi mà VFF đã gần như ‘chắc chắn’ bất lực? Với khoảng 20.000 USD (450 triệu)/tháng mà LĐBĐ có thể chi trả được cùng nguồn tiền tài trợ khó mà có thể ‘bói’ ra ngay vào thời điểm này, tất cả lại phải trông chờ vào một cái tên quen thuộc. Với nguồn tài chính đang bấp bênh những năm gần đây, có lẽ là khó cho bầu Đức quá. (Còn về VFF, nếu họ thực sự có thể tự mình trả 1,4 tỷ/tháng cho HLV tương lai, có lẽ những con người ấy cũng chẳng chọn Kiatisuk đâu.)

Thế nên, nếu bạn hỏi tôi rằng: "VFF có nên mời Kiatisuk vào thời điểm này?". Câu trả lời sẽ là không.

Quảng cáo
Kiatisuk ĐTQG Việt Nam Hữu Thắng
Xem thêm