Sự lớn mạnh của bóng đá Trung Quốc gần đây thật sự trở thành nỗi lo với các nền bóng đá phương Tây. Nhưng liệu có chăng một bí mật nào đang được che giấu sau hào nhoáng đó?
Nội dung chính
- Alex Teixeira sang Trung Quốc thi đấu với giá chuyển nhượng kỷ lục
- Chính phủ Trung Quốc muốn xây dựng lại bộ mặt chung của bóng đá Trung Quốc
- Tồn tại rất nhiều dấu hỏi đằng sau cách làm bóng đá của Trung Quốc
- Nhiều ngôi sao tới Trung Quốc thi đấu, nhưng quan trọng, họ liệu có gắn bó dài lâu với sân chơi này?
Alex Teixeira sang Trung Quốc thi đấu với giá chuyển nhượng kỷ lục
Chỉ trong vòng 10 ngày, các CLB đang thi đấu ở giải Chinese Super League (CSL) đã phá ba kỷ lục chuyển nhượng. Gần nhất, Jiangsu Suning bạo chi 50 triệu euro để mua tiền vệ Alex Teixeira của Shakhtar Donetsk. Phi vụ này trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc. Trước đó, Guangzhou Evergrande tạo ra cú sốc khi mua Jackson Martinez từ Atletico với giá 42 triệu euro, còn Jiangsu mua Ramires của Chelsea với giá 25 triệu bảng.
Trong bối cảnh kỳ chuyển nhượng ở Trung Quốc còn kéo dài tới cuối tháng, các “thiếu gia” ở quốc gia thuộc châu Á này hứa hẹn còn tung hoành ngang dọc khắp phương Tây để chiêu mộ thêm nhiều tên tuổi nữa. Thậm chí, ngay cả HLV tài năng Jose Mourinho cũng nằm trong tầm ngắm những đội bóng lắm tiền nhiều của, bên cạnh các ngôi sao như Fernando Torres hay Radamel Falcao,… và nhiều hơn nữa những cầu thủ khác.
Cuộc đổ bộ của những tên tuổi tới Trung Quốc diễn ra nhộn nhịp tới mức giải Premier League (Anh) phải sợ hãi. Trong phát biểu mới đây, HLV Arsene Wenger của Arsenal thừa nhận các đội bóng châu Âu có quyền “lo lắng” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tháng trước, cây bút Alain Wang của tờ Titan Sport chia sẻ bóng đá Trung Quốc còn tạo ra nhiều cơn địa chấn nữa bởi không ai có thể điều khiển những gì đang diễn ra.
Nhưng dưới góc nhìn nhà báo Ben Bloom (Telegraph), nút thắt xuyên suốt giúp bóng đá Trung Quốc lớn mạnh xuất phát từ chính kế hoạch do chính phủ xây dựng. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, quốc gia nằm ở phía Đông bán cầu luôn muốn phô trương sức mạnh tuyệt đối. Theo đó, việc sở hữu giải đấu tầm cỡ sẽ trở thành minh chứng cụ thể cho bề nổi về sự phát triển vượt bậc của bóng đá Trung Quốc. Đó như một lời khẳng định cho tầm vóc của họ.
Chính phủ Trung Quốc muốn xây dựng lại bộ mặt chung của bóng đá Trung Quốc
Tuy nhiên, tất cả những gì diễn ra không thể che đậy cho sự kém hấp dẫn ở giải bóng đá Trung Quốc, đồng thời mọi thứ không khác nào bức bình phong lắp đi chân lý đanh thép rằng, đội tuyển quốc gia Trung Quốc đang xuống dốc hiện tại. Thật vậy, từ khi góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2002, tuyển Trung Quốc không tạo nên tiếng tăm nào trong làng túc cầu. Thứ hạng của họ trên bảng xếp hạng FIFA còn thua cả Botswana. Ở vòng loại World Cup 2018, Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Nhìn thấy những vấn đề đó, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, một fan cuồng bóng đá, không thể ngồi yên. Những gì bóng đá Trung Quốc làm đều nằm trong kế hoạch xây dựng lại bộ mặt chung của bóng đá nước nhà. Nhưng quan trọng, các doanh nghiệp đổ tiền đầu tư cho các CLB vung tiền mua sao được tin rằng đều nằm trong nhóm “sân sau” của chính phủ. Ben Bloom phân tích, chìa khóa then chốt trong các vụ đầu tư của bóng đá Trung Quốc thuộc về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.
Năm ngoái, một công ty có vốn nhà nước từng bỏ 265 triệu bảng để mua lại cổ phần của Manchester City. Nói tới đây, không quá khó hiểu để nhận ra thông qua bóng đá, những con người quyền lực của Trung Quốc sẽ tìm được lý do hợp lý để “đốt tiền”. Chuyên gia Chris Atkins phân tích bóng đá Trung Quốc từng nói với Sky Sports: “Chính phủ rất thích thú trong việc tạo ra sự cân bằng kinh tế, thay vì tập trung sản xuất một thứ gì đó.
Tồn tại rất nhiều dấu hỏi đằng sau cách làm bóng đá của Trung Quốc
Lúc này, ngành công nghiệp thể thao và giải trở thành những sân chơi cho họ đầu tư chính. Ở Trung Quốc, các công ty ăn nên làm ra hay không đều phụ thuộc vào mối quan hệ tạo dựng với chính quyền có tốt đẹp hay không.”
Từ bài phân tích trên Telegraph của Ben Bloom, người ta nhìn thấy được bản chất từ các vụ chuyển nhượng đình đám của Trung Quốc. Có thể chính phủ nước này muốn vực dậy nền bóng đá nước nhà, vì vậy, họ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân đổ tiền mua cầu thủ nước ngoài. Sự có mặt của nhiều tên tuổi trước mắt giúp giải vô địch quốc gia Trung Quốc được nâng tầm chất lượng, đồng thời tiền bản quyền truyền hình sẽ tăng vọt đáng kể.
“Bóng đá giờ được trình chiếu trên TV bất kỳ lúc nào. Giải VĐQG Trung Quốc liên tục thu hút người xem. Không còn kịch bản khi người Trung Quốc bật TV lên và chỉ xem giải Premier League, Champions League hay các giải VĐQG châu Âu khác,” HLV Sven Goran Eriksson của Shanghai SIPG nói.
Nhiều ngôi sao tới Trung Quốc thi đấu, nhưng quan trọng, họ liệu có gắn bó dài lâu với sân chơi này?
Tuy nhiên, dấu hỏi về sự hiệu quả cũng sớm được đặt ra đằng sau các vụ chuyển nhượng đình đám. Bóng đá Trung Quốc đang tung hoành trên thị trường chuyển nhượng, nhưng không phải cầu thủ nào cũng bị sức hút mãnh liệt của đồng tiền quyến rũ. Thậm chí, nhiều đội bóng đang cố tình thu hút sự chú ý của truyền thông qua các vụ chuyển nhượng gây sốc, nhưng theo thời gian mọi thứ đều được phơi bày.
Trong quá khứ, Didier Drogba từng đầu quân cho Shanghai Shenhua nhưng cũng ra đi không lâu sau đó vì CLB không có đủ tiền thanh toán lương. Seydou Keita bỏ giải Trung Quốc vì đội nhà chơi quá kém, hay Alberto Gilardino và Alessandro Diamanti không muốn gắn bó lâu dài ở nơi sự nghiệp của họ chẳng thể khá hơn. Từ dữ kiện đó, ai dám chắc Jackson Martinez hay Alex Teixeira sẽ được thanh toán tiền lương đầy đủ trong thời gian tới. Ngoài ra, giá trị các cầu thủ sang đây thi đấu liệu có tiếp tục được nâng tầm hay sẽ bị chôn vùi mãi mãi?
Ngoài ra, việc chính phủ nhúng tay hậu thuẫn cho các doanh nghiệp càng khiến người ta hoài nghi về một sự lũng đoạn và lạm phát xuất hiện tồn tại ở nền kinh tế Trung Quốc. Khi một công ty tư được chính phủ tiếp tay, đây giống như động thái “rửa tiền”. Có thời điểm, báo chí châu Âu đặt ra câu hỏi tại sao trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào canh bạc đầy rủi ro là bóng đá?
Rõ ràng, tồn tại song song với những vụ chuyển nhượng gây xôn xao làng bóng đá Trung Quốc cũng đang xuất hiện bí ẩn khiến không ít người hoài nghi. Câu trả lời chưa biết thế nào, chỉ có điều sau mỗi 24 tiếng thì báo chí lại chờ đợi sẽ có thêm quả bom chuyển nhượng nào được kích hoạt và thực tế cho thấy không ai ngăn chặn được cách làm bóng đá có phần hơi điên cuồng của các CLB Trung Quốc.
Nguồn: Nguyên Trí - Zing.vn