(Thethao247.vn) – Sân chơi cấp CLB cho các đội bóng Đông Nam Á có thể sẽ được tổ chức vào năm 2016 với sự góp mặt của các đội bóng khu vực. Và ông Hải cũng cho biết sẽ có nhiều lợi ích cũng như khó khăn cho đại diện Việt Nam khi tham dự giải đấu này.
Đề cập tới những thuận lợi và khó khăn của các đội bóng Việt Nam khi tham dự ASEAN Super League, báo Thể thao & Văn hóa trích lời cựu GĐKT B.Bình Dương có đoạn: “Việc tham gia giải đấu này theo tôi là một điều tốt cho các CLB của Việt Nam vì các đối thủ sẽ rất đa dạng. Chúng ta sẽ bắt nhịp cùng các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, và sau này khi có điều kiện đá những giải đấu với họ sẽ không còn lạ lẫm hay khó khăn mà dễ dàng đối phó và thích nghi được”.
Theo ông Hải, rất ít đội bóng V-League đáp ứng được yêu cầu về tài chính và lực lượng khi tham gia Super League như Bình Dương
Dĩ nhiên việc thường xuyên được thi đấu với các đối thủ mạnh trong khu vực sẽ giúp các cầu thủ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích và phát triển trình độ kĩ chiến thuật. Tuy nhiên, theo ông Lê Thụy Hải việc thi đấu song song tại Super League lẫn V-League có thể sẽ tạo ra một rào cản cho các CLB của Việt Nam.
“Quan trọng là các CLB Việt Nam có đủ kinh tế và nhân sự để chơi ASEAN Super League hay không, thậm chí có những đội đủ tài chính nhưng cũng không đủ người chơi vì song song với đó, còn phải thi đấu V-League. Muốn hội đủ điều kiện tài chính và nhân sự, các CLB cần sự hỗ trợ từ VFF, không chỉ hỗ trợ về kinh tế mà cả chuyên môn lẫn con người, những cái đó cũng hết sức quan trọng. Super League là một giải đấu lớn đòi hỏi mỗi đội phải có lực lượng đông đảo. Rất khó để các đội bóng hàng đầu V-League có thể căng sức tại giải quốc nội cũng như tại Super League.
Vì thế tôi nghĩ phải làm sao cho hài hòa, V-League cũng không thể ưu tiên cho giải đấu này được. VFF cũng cần phải tham khảo ý kiến các CLB và cần được ủng hộ nếu không sẽ khó thực hiện, chủ yếu là vì chuyện kinh phí mọi thứ không đơn giản. ASEAN Super League được tổ chức cũng là điều đáng mừng và tôi thấy rất tốt nhưng bóng đá Việt Nam có những khó khăn riêng”.
Nhận thấy việc phải chạy đua ở cả hai ‘mặt trận’ sẽ khiến các đội bóng khó có thể thành công và không dám tham gia giải đấu, nhà cầm quân lão luyện từng 3 lần vô địch V-League gợi ý: “Liên đoàn có thể cử riêng một đội tuyển trẻ của quốc gia tham dự một giải đấu cấp CLB như ASEAN Super League Singapore từng làm trước đây khi cử đội dự giải ở Malaysia nhưng đặt trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam việc CLB có cho người đi không mới là vấn đề. Đa số cầu thủ U23 hiện nay đã chơi tốt ở các CLB, thậm chí chiếm suất đá chính, đóng vai trò quan trọng về lối chơi nhưng liệu các HLV có sẵn sàng ‘hy sinh’ để nhường quân cho đội tuyển trẻ dự ASEAN Super League hay không? Nếu bóng đá Việt Nam có nhiều Học viện như HAGL thì với những giải đấu như thế này, việc cử một trong những Học viện đi dự giải đấu kiểu này tôi nghĩ là phù hợp nhất”.
Cũng theo ông Lê Thụy Hải, phong trào bóng đã học đường của chúng ta chưa có những bước tiến nổi bật và cần sự chung tay phối hợp giữa VFF và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở nhiều nước có nền bóng đá phát triển tại châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, hệ thống phát triển bóng đá học đường của họ phát triển tương đối mạnh và là cái nôi ươm mầm và phát triển nhân tài cho các ĐT QG. Không khó hiểu khi các đội sinh viên của Hàn Quốc, Nhật Bản từng thi đấu ngang ngửa ĐT Việt Nam. Nếu có những kế hoạch phát triển rõ ràng và sự quyết tâm, chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ thành công trong tương lai không xa.