Quyết định sa thải HLV Miura của VFF có thể xem là tin vui với NHM bóng đá Việt Nam bởi từ lâu, họ đã không ưa triết lý cầm quân của chiến lược gia người Nhật. Nhưng đằng sau đó là cả một nỗi buồn khó nói thành lời…
Vậy là tương lai của HLV Toshiya Miura đã được định đoạt sau buổi họp bất thường của VFF vào sáng nay (28/1)! Thay vì tiếp tục dẫn dắt ĐT Việt Nam tới hết tháng 4/2016, chiến lược gia người Nhật đã bị thanh lý hợp đồng trước 2 tháng. Hay nói một cách cụ thể, ông Miura đã bị sa thải khi có tới 11/16 lá phiếu tán thành quyết định này.
Đây là cái kết chẳng quá bất ngờ bởi Toshiya Miura đã để lại nỗi thất vọng lớn trong gần 2 năm dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Trong đó, thất bại ở VCK U23 châu Á và vòng loại World Cup 2018 vừa qua chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Trong gần 2 năm qua, bóng đá Việt Nam liên tục thất bại ở các giải đấu khu vực, từ cấp độ đội tuyển tới cấp độ U23. Đó không phải câu chuyện quá ghê gớm bởi trong quá khứ, chúng ta đã từng nếm trải rất nhiều, thậm chí cay đắng hơn thế. Nhưng thất bại lớn nhất của Miura theo đánh giá của NHM là đấu pháp và chiến thuật. Nói như Phó Chủ tịch VFF, ông Đoàn Nguyên Đức “Ông Miura quá bảo thủ. Triết lý bóng đá của ông ấy quá cũ kỹ, không phù hợp với xu thế thời đại. Trong bóng đá làm gì có chuyện coi trọng lực điền hơn là cầu thủ kỹ thuật, chơi bóng bằng sự thông minh, sáng tạo”.
Quan điểm của ông Đoàn Nguyên Đức từng nhận được rất nhiều phản ánh theo hướng ủng hộ từ NHM. Có người nói rằng “Vẫn biết là thua nhưng thua đẹp vẫn sướng mắt hơn”.
Còn nhớ, khi dẫn quân vào Bình Dương đá tập chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016, HLV Miura từng bị rất nhiều CĐV la ó, chỉ trích. Thậm chí, trên khán đài sân Gò Đậu còn xuất hiện nhiều biểu ngữ kêu gọi Miura chia tay bóng đá Việt Nam. Đây là điều hiếm xảy ra trong quá khứ.
Từ hàng tá chỉ trích nhắm vào Miura, từ NHM cho tới các vị lãnh đạo, có thể thấy quyết định sa thải chiến lược gia người Nhật là tin vui với bóng đá Việt Nam. Vui vì NHM không còn phải chứng kiến cảnh các đội tuyển Việt Nam ngày ngày ra sân như những lực điền trên thảm cỏ xanh. Đó là dấu chấm hết cho một mối tình mà người không hợp người!
Tuy nhiên, đằng sau quyết định sa thải HLV Miura của VFF, chúng ta lại cảm thấy buồn nhiều hơn. Buồn vì bóng đá Việt Nam vẫn vậy, vẫn “ăn xổi ở thì”, xây nhà từ nóc và chưa tìm ra một chiến lược dài hạn để bứt khỏi chính mình.
Cứ cho rằng Miura là 1 HLV thực dụng, thích lối chơi cơ bắp hơn kĩ thuật, thậm chí cổ hủ, lạc hậu, vậy liệu VFF và các vị lãnh đạo có nghiên cứu kĩ phong cách của nhà cầm quân này trước khi kí hợp đồng? Có lẽ là không! Hoặc có, có lẽ cũng chỉ nhắm mắt làm liều như một canh bạc không hơn.
Không nói, ai cũng biết việc chọn lựa HLV là 1 công việc rất quan trọng với 1 đội bóng. Đằng này, chúng ta chọn HLV cho ĐTQG. Những tiêu chí đầu tiên cần tính tới là triết lý, phong cách và khả năng. Miura đã thất bại không ít nhưng vẫn được VFF tin tưởng. Vì VFF từng khẳng định vẫn tin Miura. Nếu tin Miura, tại sao họ chỉ trao HĐ 2 năm và thậm chí còn sa thải trước thời hạn?
2 năm là khoảng thời gian đủ dài để xây dựng 1 đội bóng nhưng lại quá ngắn cho 1 nhà cầm quân chưa hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam như Miura. Vốn là người xuất thân từ 1 nền bóng đá phát triển như Nhật Bản nên Miura có cái nhìn khác! Ông phải xây dựng từ nền móng đầu tiên là thể lực. Quả thực, nếu không có nền tảng thể lực tốt, không chỉ bóng đá mà bất cứ môn thể thao nào cũng thất bại. Cứ nhìn cách Công Phượng giỏi rê dắt nhưng luôn bị đối phương hạ đo ván là đủ thấy bóng đá Việt Nam yếu ở đâu.
Tại sao Miura chọn phong cách ấy cho bóng đá Việt Nam? Đó là dấu hỏi lớn. Có thể triết lý của ông là vậy! Cũng có thể hợp đồng ngắn hạn buộc ông phải đưa ra sự lựa chọn an toàn. Hãy để ý lại rằng dưới triều đại Miura, ĐT Việt Nam đã có không ít trận đấu hay và bùng nổ chứ không hẳn lúc nào cũng tù túng như sàn đấu võ.
Còn một lý do khác, Miura đến với bóng đá Việt Nam vào đúng thời điểm chúng ta bị nên án về lối chơi bạo lực trên sân cỏ. Minh chứng rõ rệt nhất là những ca chấn thương ghê rợn liên tục xuất hiện trên thảm cỏ V-League. Liệu môi trường như vậy có thể tạo ra một chất liệu tốt để chiến lược gia người Nhật xây dựng 1 đội bóng đẹp về phong cách cho NHM.
HLV Alfred Riedl từng có 1 câu nói rất rõ là “Để xác định 1 đội tuyển mạnh, việc đầu tiên là theo dõi giải VĐQG của họ”. V-League có thời điểm từng được coi là giải VĐQG hay nhất Đông Nam Á. Nhưng hiện tại, giải đấu của chúng ta kém rất nhiều so với các giải đấu trong khu vực, đặc biệt là so với Thái Lan.
Người Thái ngày càng mạnh vì họ xây nhà từ gốc, phát triển bóng đá từ chính giải VĐQG. Kiatisuk đang thành công nhưng tựu chung, đó là thành công của cả 1 nền bóng đá. Còn Miura thì ngược lại! Ông thậm chí còn phải lặn lội xuống cả giải hạng Nhất để tìm kiếm nhân tài.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài! Khó có thể tạo ra một đội tuyển mạnh khi nền bóng đá của chúng ta vẫn chậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi so với thời điểm cách đây vài năm. Trách nhiệm ở đây thuộc về cả 1 nền bóng đá chứ đâu chỉ riêng Miura.
Miura ra đi sẽ có 1 người khác thay thế, nhưng câu chuyện của bóng đá Việt Nam vẫn vậy mà thôi. Chúng ta khó thành công nếu không xây dựng một lộ trình dài hơi và có tính toán cho tương lai. Khi ấy, sẽ còn nhiều người đến và đi trong chốc lát như ông thầy người Nhật….