Thể Thao 247 - Đó là câu chuyện kể về Huỳnh Tuấn Vũ, thủ khoa đầu vào của khóa III Học viện HAGL JMG vẫn chưa thi đấu cho đội U19 HAGL hiện tại.
Khóa III Học viện HAGL JMG - chê nhiều hơn khen?
Sự thành công của lứa U19 HAGL hồi năm 2014 mang đến rất nhiều sự quan tâm cho lò đào tạo trẻ đội bóng phố Núi. Nhưng đi kèm với nó là những áp lực không nhỏ cho những người làm công tác đào tạo, cho chính những cầu thủ thuộc khóa 3, khóa 4 của Học viện này.
Nhắc đến HAGL, người ta sẽ nghĩ đến tập thể với lối chơi ban bật đẹp mắt. Dường như những gì Công Phượng, Xuân Trường... và các đồng đội làm được trước kia đã khắc ghi sâu tâm niệm này trong tiềm thức của mỗi người hâm mộ.
Và thế là từ đó, người ta cứ áp đặt suy nghĩ, đã là lứa U19 HAGL thì phải đá đẹp, đá áp đảo so với các đối thủ của mình. Nhưng rồi mọi thứ cứ dần dần chứng minh ngược lại.
U19 HAGL của khóa 3 tham dự giải U19 Quốc gia với sự kì vọng không nhỏ. Họ được đặt niềm tin sẽ giành chức vô địch dù giải đấu có sự hiện diện của những SLNA, Hà Nội, Viettel hay PVF.
Thầy trò HLV Graechen đã có một giải đấu không thành công. Không thể hiện được những gì người ta mong đợi, họ còn bị loại ngay ở vòng bảng sau trận thua tan nát trước SLNA.
Khi ấy, HLV người Pháp Graechen khẳng định, U19 HAGL này sẽ thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác ở giải U19 Quốc tế. Và kết quả ra sao, chắc hẳn ai cũng đã biết.
HAGL tiếp tục cho thấy nhiều vấn đề trong cách chơi. Họ vẫn ban bật đẹp mắt nhưng hiệu quả thì lại rất thấp. HLV Graechen không ít lần đã đứng lên chê các học trò thi đấu với tâm lý yếu kém, không dám cầm bóng chơi vì thế họ đã đánh mất chính mình.
Thủ khoa đầu vào khóa III HAGL còn chưa được đá cho đội U19 HAGL
Cần phải biết rằng, lứa U19 HAGL hiện tại bao gồm học viên khóa III của Học viện và các cầu thủ khác của Năng khiếu HAGL. HLV Graechen đã phải lấy quân số từ hai lớp cầu thủ để "nhào nặn" thành một đội bóng. Đó cũng là lí do dù hầu hết các cầu thủ sở hữu kĩ thuật tốt nhưng thi đấu thiếu gắn kết và ăn ý.
Được biết, lúc đầu khóa III của Học viện chỉ tuyển được 4 học viên gồm Huỳnh Tuấn Vũ (Phú Yên), Nguyễn Duy Tâm (Lạng Sơn), Huỳnh Văn Hải (Đaklak) và Phan Hồ Khải (Đồng Nai). Đây là những cầu thủ được ký hợp đồng đào tạo dài hạn trong 7 năm, từ tháng 8/2013. Đáng chú ý nhất là cầu thủ Huỳnh Tuấn Vũ đến từ Phú Yên, em chính là thủ khoa đầu vào khóa III của Học viện HAGL JMG. Tuy nhiên, cho đến hiện tại Tuấn Vũ vẫn chưa thể được thi đấu trong màu áo U19 HAGL, đây có thể xem là một sự đáng tiếc.
Khóa III kể trên sau đó còn đưa vào 10 cầu thủ nhí khác, trong đó có nhiều người đã ít nhiều chứng minh được khả năng. Có thể kể đến như Lê Minh Bình, Cao Hoàng Tú, Võ Hoàng Uy.
Mới đây, HLV Graechen thừa nhận, nhiều cầu thủ khóa III không thực sự chất lượng nhưng ông tin tưởng vào chất lượng của khóa 4. "Các em khóa 4 cũng giống như khóa 1, đã thi đấu nhiều năm với nhau. Theo đánh giá của tôi, các cầu thủ khóa 4 có một số cầu thủ phòng ngự rất tốt, họ luôn muốn chơi cùng nhau, muốn phối hợp cùng nhau để có thể làm điều tốt nhất. Khó 4 cũng có nhiều tiền đạo rất tốt, đặc biệt có 2 tiền vệ tư duy rất tốt. Tôi đặt rất nhiều hy vọng vào khóa 4 này".
Để nói về chất lượng cầu thủ HAGL không bằng lứa đầu, cũng phải kể đến sự cạnh tranh rất mạnh của những lò đào tạo uy tín khác nổi lên như PVF, Viettel hay Hà Nội.
Học viện HAGL JMG không còn là cái tên "hot" như trước, thế nhưng họ vẫn là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của bóng đá trẻ Việt Nam. HAGL lúc này cần một cú hích để bật dậy trở lại. Hãy chờ xem họ sẽ làm gì để tạo nên cú hích ấy.