Thể Thao 247 - Philani không thất thoát đồng bạc nào cho cuộc sống ở Việt Nam, gần như toàn bộ số tiền mà anh làm ra đều được gửi về quê nhà Nam Phi, khi Philani là lao động chính.
Trong số này, Thethao247.vn trở lại với ngoại binh Philani, cái tên đã để lại quá nhiều ấn tượng trong màu áo Bình Dương nói riêng và lịch sử V-League nói chung.
Người "Phi" vạn người mến
Là cựu tuyển thủ U20 Nam Phi, cựu thành viên của Orlando Pirates (đội bóng tại giải VĐQG Nam Phi từng đối đầu với M.U), Philani đến Becamex Bình Dương với rất nhiều sự kỳ vọng. Trong những năm tháng khoác áo đội bóng đất Thủ, anh đã dựng nên một sự nghiệp huy hoàng, cả về mặt danh hiệu lẫn sự công nhận và yêu mến từ đồng đội, người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Philani là chàng trai hiền lành và cực kỳ kiệm lời. Với anh, nơi cần lên tiếng phải là những trận cầu chứ không phải những lời có cánh trong phòng thay đồ hay trước giới truyền thông. Chỉ có trên sân cỏ, "Phi" mới thoải mái thể hiện mình và so tài cao thấp. Là người nói ít nhất ở Bình Dương nhưng anh luôn là người làm được nhiều nhất.
Với cái chân trái “siêu dị”, "Phi" luôn có những động tác đánh lừa đối thủ có một không hai. Có cảm tưởng cứ mỗi cú nhấp bóng của Philani, anh sẽ loại bỏ được ít nhất 1 cầu thủ hậu vệ đối phương. Với kỹ năng của một số 10 hiện đại, Philani có thể chơi trung phong cắm, lệch biên hoặc tiền đạo lùi... Thuận chân trái nhưng số bàn thắng mà “Phi” ghi bằng chân phải và bằng đầu cũng không phải là ít.
Năm 2006, HLV Lê Thụy Hải đến Bình Dương. Hồi ấy, ông luôn tâm niệm và cho rằng "Phi" chỉ giỏi vẽ vời chứ không làm ăn nên cơm cháo gì. Chưa đầy một năm sau khi ngồi ghế nóng, ông Hải "lơ" đã muốn 'tống cổ' Philani cùng một vài ngoại binh khác. Phải nhờ vào sự bảo lãnh của Amaobi, "Phi" mới được ở lại đất Thủ.
Chẳng hề để ý hay tự ái, "Phi" quyết tâm chứng minh ông Hải đã sai. Những bàn thắng liên tiếp, lối chơi cống hiến đóng góp nhiều cho tập thể của "Phi" đã giúp Bình Dương trở thành một thế lực hùng mạnh. Đến khi Bình Dương chạm tay vào chức vô địch, ông Hải "lơ" mới chịu thừa nhận tài năng của "Phi".
Khi B.Bình Dương chưa lâm vào khủng hoảng (nửa sau mùa 2010), mỗi trận đấu có sự góp mặt của "Phi", đội bóng này đa phần giành chiến thắng. Thời ấy, ngay cả HLV Ricardo Formosinho (trợ lý của Mourinho ở Man Utd hiện nay), người chỉ mới làm việc với Philani và B.BD được khoảng nửa năm cũng phải thừa nhận vai trò của tiền đạo người Nam Phi: "Tôi đánh cược với các bạn rằng, nếu hôm nay B.BD có Philani trong đội hình, chúng tôi sẽ chiến thắng HN.T&T”, ông Ricardo phát biểu sau trận hòa 1 – 1 V-League 2010.
Sau khi B.Bình Dương lâm vào khủng hoảng, tấm băng đội trưởng là nỗi ám ảnh khi Quang Thanh, Thế Anh đều từ chối. Lúc đó, Philani đứng lên nhận trách nhiệm. Người hâm mộ Bình Dương quý mến anh tới mức, mỗi khi "Phi" không ra sân họ lại hậm hực, nổi nóng vì không được xem thần tượng thi đấu.
Người "tử tế" ở V-League
Khoác áo Bình Dương, Philani nhận không dưới 6 nghìn USD/tháng, đó là chưa kể tiền thưởng. Với số tiền kiếm được, Philani gần như không để thất thoát đồng bạc nào cho cuộc sống ở Việt Nam.
Anh không phải lo nơi ăn, chốn ở, đặc biệt không thích chơi bời thâu đêm suốt sáng như những ngoại binh khác, gần như toàn bộ số tiền "Phi" đều gửi về quê nhà Nam Phi, nơi anh là lao động chính của gia đình. Đức tính này khiến những đồng đội thực sự trân trọng và càng yêu mến "Phi" nhiều hơn nữa.
Philani trưởng thành trong màu áo Orlando Pirates. Sau khi rời Orlando, nhiều người khuyên anh đến châu Âu chơi bóng nhưng anh đã chọn Việt Nam. Phong độ xuất sắc của Philani thậm chí còn khiến một đội bóng của Úc là Adelaide để ý và muốn chiêu mộ hồi năm 2008. Một đội khác ở Na Uy cũng muốn đưa Phi về chơi bóng ở châu Âu, nhưng rồi "Phi" đã quyết định ở lại Việt Nam.
Với một thái độ nghiêm túc, anh từng nói: "Adelaide với A-League là một môi trường tốt và có thể chỉ ở đó, tôi mới nuôi tiếp được hy vọng trở thành một phần tuyển Nam Phi ở World Cup 2010. Nhưng nếu tôi ở lại Việt Nam, tôi sẽ có cơ hội rất lớn để bảo vệ chức vô địch. Điều này thật tuyệt vời. Và đó cũng là lý do mà tôi quyết định ký tiếp với B.BD thêm một mùa giải nữa".
Chục năm chơi bóng ở Việt Nam và chỉ chơi cho một CLB là Bình Dương, Philani chưa một lần dính tỳ vết. Không bia rượu, bay lắc, tiền đạo người Nam Phi luôn giữ thái độ chuyên nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhờ thế mà đến khi bước sang tuổi 33, anh vẫn chạy khỏe và có thể đá đủ 120 phút mà chẳng hề hấn gì. Tinh thần thi đấu lúc nào cũng cháy hừng hực, từ những ngày đầu cho đến lúc ra đi, Philani luôn là như thế.
Chừng ấy mùa bóng, với hàng trăm trận đấu, Philani đã ghi không biết bao nhiêu bàn, góp công lớn đem về cho đất Thủ rất nhiều danh hiệu, nhưng chàng trai người dân tộc Zulu này luôn khiêm nhường.
Còn với những đồng nghiệp khi ấy, nhắc tới Philani là một sự nể trọng nhất định. “Ai là cầu thủ nước ngoài hay nhất trong mắt anh?”, rất nhanh, Tshamala (tiền đạo ĐT.LA) trả lời: “Philani”. “Tiền đạo nào khiến những các trung vệ như anh cảm thấy ái ngại?”, Huy Hoàng, Phước Tứ, Minh Đức, Phước Vĩnh, Đại Đồng, Anh Tuấn…, đều đồng thuận: “Philani” - trích TT&VH.