Nếu không có U19 Quốc gia (thực chất đến 90% cầu thủ của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG), không thể tưởng tượng nổi bóng đá Việt Nam còn có thể bấu víu vào đâu?!
Nội dung chính
1. Một nền bóng đá, một đội tuyển U19 Quốc gia, dù thành công, chỉ đủ sức làm thăng hoa một bộ phận người hâm mộ trong quãng thời gian ngắn. Và rồi, chắc chắn, cái đội tuyển trẻ đó sẽ bị bão hòa bởi còn quá nhiều vấn đề mang tính nền tảng của nền bóng đá cần quan tâm, sẽ làm lu mờ đội tuyển U19 Quốc gia. Ví dụ, giải VĐQG, đội Olympic Quốc gia, ĐT Quốc gia hay SEA Games.... Huống gì, U19 Quốc gia, về bản chất là đội bóng của bầu Đức.
U19 Việt Nam
Nhưng đội bóng này đang là cứu cánh của những nhà lãnh đạo VFF (đương chức và nhiệm kỳ bảy), bấu víu vào đó. Hơn thế nữa, họ là nguồn cảm hứng lớn, niềm tin duy nhất thời điểm hiện nay, là điểm tựa để cải tổ nền bóng đá, của fan cả nước. U19 Quốc gia đã tỏa sáng trong một thời gian khá dài, nó giống như một cầu vồng lung linh sắc màu trên bầu trời của bóng đá nước nhà vốn có quá nhiều bóng mây trong thời gian dài.
Sự kỳ vọng vào U19 Quốc gia hiện nay, vẫn khác với U16 năm 2000, dù năm quân của Sông Lam Nghệ An vẫn là chủ lực. Bởi, thời điểm đó bóng đá Việt Nam còn kế thừa nhiều giá trị tích cực trong bối cảnh chuyên nghiệp mới bước tập tễnh. Nhiều tên tuổi truyền thống chưa bị đẩy vào “bảo tàng”, trong đó hệ thống đào tạo trẻ còn rất khả quan.
Thời điểm này, giá trị cốt lõi đó (đào tạo trẻ), đã bị mai một sau 13 năm làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu chụp giật, hớt ngọn, đi chệch định hướng. Nếu đi tìm sự bằng chứng rõ nhất về cách làm bóng đá theo kiểu “cha chung không ai khóc”, đấy là trung tâm đào tạo trẻ của VFF vốn nổi tiếng là cho thuê sân bãi.
2. Vậy thì, làm sao không tránh khỏi cảnh phải bấu víu vào một U19 Quốc gia. Và lại phải nói lại cho rõ, U19 Quốc gia với 90% quân của bầu Đức.
Sẽ là ngộ nhận nguy hiểm nếu cho rằng U19 Quốc gia sẽ cứu rỗi được nền bóng đá. Cho dù U19 Quốc gia có vô địch SEA Games 28, vẫn không thể đại diện cho nền bóng đá khi về cơ bản phụ thuộc đến 90 % khả năng thành công vào một đội bóng tư nhân. Thành công đi chăng nữa vẫn không khỏa lấp thực trạng cả hệ thống đào tạo trẻ (nếu ngay bây giờ bắt tay xây dựng nghiêm túc, đồng loạt) cần mất ít nhất 8 năm nữa mới xây dựng được vài thế hệ cầu thủ có tư duy chơi bóng nghiêm túc. Chẳng phải, đến thời điểm này, bầu Đức đã phải mất 8 năm để có được lứa “gà chọi” đang làm bừng khởi nền bóng đá.
Có một điều cảm nhận rất rõ, sau thành công của U19 Quốc gia, ai cũng thừa nhận cách làm của bầu Đức là tốt, nhưng để rủ nhau đồng loạt lao vào làm bóng đá trẻ là chưa có. Chúng ta không khó tiên liệu, vẫn sẽ còn lâu các địa phương mới bắt tay xây dựng lại phần “gốc” một cách tử tế.
Sẽ đau lòng hơn, nếu nhiệm kỳ tới VFF vẫn không tạo được sự khác biệt so với khóa cũ, trong việc thúc đẩy công tác đào tạo trẻ tốt lên ở khắp cả nước, và cả cái trung tâm đào tạo trẻ đầu tư nhiều triệu đô nhưng mục đích chính thì găt hái quá ít.
Và càng đau lòng hơn nếu như U19 Quốc gia được sử dụng “sai mục đích”. Có lẽ, tốt nhất vẫn là để các em phát triển tự nhiên, bởi tuổi 19, với cầu thủ Học viện HA.GL JMG vẫn như tờ giấy trắng. U19 Quốc gia không quyết định được tất cả các vấn đề của nền bóng đá, nhưng là một mắt xích quan trọng trong cuộc chấn hưng hệ thống thượng tầng của nền bóng đá. Do đó có thể thấy quyền lực mềm của bầu Đức với VPF, với một số ứng viên nặng ký trong cuộc chạy đua vào VFF nhiệm kỳ bảy đang diễn ra.