Từ thực tế trải nghiệm ở hai nền bóng đá, chân sút xứ Nghệ cho rằng bóng đá Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều mới rút ngắn khoảng cách với nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, đại diện bóng đá Nhật Bản từng tặng thế hệ Phạm Huỳnh Tam Lang một chiếc giày nhỏ với ý nghĩa bóng đá Nhật Bản chỉ như “chiếc giày nhỏ” so với “chiếc giày lớn” của bóng đá Việt Nam. 50 năm sau, tiền đạo số 1 của Việt Nam Lê Công Vinh cho rằng bóng đá nước ta đang kém xứ phù tang đến nửa thế kỷ phát triển.
Công Vinh lý giải về nhận định này: “Thể thao và bóng đá Nhật Bản nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều nguồn. Ngoài hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan đến thể thao rất tốt, họ còn được hỗ trợ nhiều về cơ chế, chính sách và ủng hộ của cộng đồng. Khi có tất cả điều đó, việc xây dựng nền móng, tìm kiếm tài trợ và nguồn tài chính phát triển cũng không quá khó. Với bệ phóng đó, bóng đá Nhật có rất nhiều lực đẩy để phát triển nhanh”.
Cựu chân sút đội Consadole Sapporo cũng nói rằng người Nhật luôn đầu tư cho những giải pháp “sâu rễ, bền gốc” trước khi tính đến chuyện hái quả. “Ở Nhật Bản, họ hướng tới việc tạo dựng thương hiệu trước khi nghĩ tới việc kiếm tiền từ nó. Khi đã ghi dấu được tên tuổi, thương hiệu của mình trong lòng người hâm mộ thì những chuyện khác sẽ tự đến, trong đó có vấn đề tài chính”.
Theo Công Vinh, bóng đá muốn chuyên nghiệp, đầu tiên các CĐV phải chuyên nghiệp. Đây chính là những người có nhiều đóng góp cho đội bóng từ tinh thần qua cách cổ vũ chuyên nghiệp đến tài chính thông qua việc mua áo đấu, quà lưu niệm.
“Ở Nhật Bản và một số nước, CĐV sẵn sàng bỏ ra cả 100 USD để mua đồ lưu niệm, áo đấu của CLB và đó là hình thức ủng hộ tài chính. Ở Việt Nam, các CĐV sẽ chọn giải pháp mua áo nhái với giá 50.000-70.000 đồng”, tiền đạo xứ Nghệ chia sẻ.
Tiền đạo của B.Bình Dương cho rằng, muốn BĐVN phát triển, cần có sự chung tay của nhiều phía và cùng với đó là tìm tòi, học hỏi các nước phát triển hơn mình. “Khi tôi đến Nhật Bản thi đấu, đó là sự chênh lệch về đẳng cấp, cách sống và cả về mặt cơ địa của con người. Khi bắt tay vào công việc, họ đúng là những người chuyên nghiệp nhất mà tôi từng biết. Tôi luôn có sự hỗ trợ nhất định từ lãnh đạo, cầu thủ và cả CĐV. Nhờ đó, tôi rút ngắn được rất nhiều khoảng cách, trong đó có phần không nhỏ từ nỗ lực bản thân”.
Công Vinh nói tiếp: “Ở môi trường phát triển, họ luôn buộc mỗi cá nhân phải tiến lên và nỗ lực hết khả năng vì công việc của chính họ và cả cộng động. Thế nên, nếu muốn BĐVN phát triển và theo kịp các nước khác, mỗi cá thể phải hành động và tự làm tốt phần việc bản thân trước khi có đóng góp cho cả tập thể”.
Chân sút từng ghi 40 bàn cho ĐT Việt Nam có thời gian chơi bóng ở Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Theo anh, đó là những kinh nghiệm vô cùng quý báu.
“Các cụ nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” không bao giờ sai. Tôi từng đi nhiều quốc gia và thi đấu với nhiều đối thủ khác nhau, nhưng khi bắt đầu công việc ở môi trường chuyên nghiệp hơn luôn gặp phải những bỡ ngỡ và sự rụt rè nhất định. Tuy nhiên, được sống và làm việc trong môi trường đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều cho công việc hiện tại và cả sau này. Từ đó, mình sẽ có ý tưởng khác, cách tiếp cận vấn đề khác và triển khai công việc cũng sẽ ở một góc nhìn khác”, Công Vinh nói.
Theo cầu thủ xứ Nghệ, muốn đánh giá về một vấn đề, mọi người phải có kiến thức về nó. “Để bóng đá Việt Nam phát triển và theo kịp các nước tiên tiến hơn, tôi nghĩ từ CĐV, cầu thủ, HLV, chuyên gia hay các nhà tổ chức phải biết mình đang ở đâu, thiếu cái gì, cần học những gì trước khi phán xét hoặc bắt tay vào làm. Muốn hiểu rõ điều đó thì không cách nào hay hơn là phải ra nước ngoài học hỏi từ chính những nền bóng đá đó”, Công Vinh chốt lại.
Theo Hùng Cường (Zing.vn)