Quảng cáo

Chuyện Tết trong ký ức của HLV Lê Thụy Hải

Nguyễn Nam Nguyễn Nam
Thứ bảy, 28/01/2017 11:00 AM (GMT+7)
A A+

“Cầu thủ, huấn luyện viên đều là nghề lang thang du mục, nên chúng tôi mong Tết hơn nhiều người khác. Tết xưa khác Tết nay lắm rồi, nhưng ý nghĩa của nó thì chưa bao giờ nhạt"...

 

Trong đời đá bóng, HLV Lê Thụy Hải nổi tiếng là người góc cạnh, cá tính, mạnh mẽ và đôi lúc ngang tàng. Nhưng thẳm sâu ở tâm can, ông Hải “lơ” lúc nào cũng đau đáu một nỗi nhớ nhà những ngày giáp Tết.

“Đó là một cái cảm giác mà hẳn là những người đi xa biền biệt như dân bóng đá hay xuất khẩu lao động, đại loại thế, mới hiểu và thấm thía”, ông chia sẻ. Ngay từ thời thanh niên phóng khoáng, vô tư, ông đã coi Tết như một dịp để mang cái gì đó ấm áp về nhà.

Hồi còn đầu quân ở Trường huấn luyện (Nhổn – Hà Nội), cầu thủ Lê Thụy Hải năm nào cũng phải 28, 29 Tết mới được “thả về”. “Cũng chẳng có nhiệm vụ gì, nhưng quy định là như thế”, ông cười khà khà, nhớ lại. Cách nhà chưa đầy chục cây số nhưng nhìn thiên hạ mua đào sắm quất, ông cũng thấy lòng chộn rộn, chỉ mong đến ngày “xả trại”.

Đến khi khoác áo Đường sắt Việt Nam, ông Hải càng về Tết muộn hơn. Giáp Tết, đội bóng hay đi đá giao hữu để phục vụ nhân dân, xong xuôi nhiệm vụ anh em cầu thủ mới tính đến chuyện lo toan Tết nhất.

hlv le thuy hai, tet, tet dinh dau, tet hlv le thuy hai

“Làm nghề gì cũng thế thôi, đến Tết là có chung cái tâm trạng chờ quà. Thời chúng tôi đi đá bóng thì tiền ít lắm, quà Tết hầu như không có tiền đâu, nhưng đội bao giờ cũng nuôi đôi lợn, sát ngày về thì thịt, gói bánh chưng rồi chia bánh, chia thịt, chia sườn, vui lắm. Mà vui nhất là khi chia đừng để anh này mỡ, anh kia nạc”, ông Hải kể mà như tuôn trào ký ức.

Năm 1980 với ông Hải là một cái Tết xa nhà. Lúc đó, ông vừa học xong ở Từ Sơn, ra đá cho Phú Khánh. Thời điểm ấy, đội của ông cùng với An Giang và Dệt Nam Định phải đá play-off đúng mùng 4 Tết ở Vinh.

Ông tả lại: “Đội thì tập trung ở Long An, ngày ấy đường sá vất vả lắm chứ đâu có như giờ. Tàu hoả thì hết vé, máy bay thì chẳng đến lượt mình, có muốn ghé về nhà thắp nén hương giao thừa cũng chịu. Thế là anh em động viên nhau ăn Tết, cười ngoài miệng thế thôi mà đêm nằm ngửi mùi hương, mùi pháo cứ thấy nghẹn lòng”.

Theo ông Hải thì nghề cầu thủ thiệt thòi phải đi xa, chứ còn về điều kiện sống thì dù ở thời nào cũng khá hơn người lao động khác. Vì tiền ăn Nhà nước nuôi, nguyên lương cầm về cho vợ cho con. “Dù lương có ít thì cũng là sướng rồi”, ông bảo thế.

Đến khi theo bóng đá chuyên nghiệp, chuyện tiền nong đãi ngộ với dân bóng đá là cả một cuộc cách mạng đổi đời. Ông Lê Thụy Hải chính là một trong những người tiên phong đấu tranh cho quyền lợi của cầu thủ, huấn luyện viên.

Ông bảo, ở Bình Dương, Đà Nẵng những năm bóng đá Việt rót tiền như rót nước, cầu thủ cầm bạc tỉ trong tay là chuyện bình thường, nhưng có cái gì động viên họ trong ngày Tết vẫn là quan trọng. Vì vậy, để anh em ra về ăn Tết vui vẻ, an toàn, lành mạnh, ông vẫn đề đạt lãnh đội có tiền thưởng cuối năm, và gặp mặt đầu xuân nhất thiết phải có lì xì.

Bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông Hải vẫn đêm ngày trăn trở với bóng đá Việt Nam. Ông hay đưa ra những ý kiến thẳng như ruột ngựa, dù có thể làm mếch lòng rất nhiều người, nhưng đó là tâm huyết “thà chê mà xây dựng còn hơn khen cho nó chết”.

“Tôi có một mong ước lớn nhất là thấy Việt Nam một lần được vào World Cup, World Cup cỡ đội tuyển sân 11 chứ không phải Futsal hay các giải trẻ. Nhưng điều đó chắc là xa xôi lắm.

Thế nên là năm Đinh Dậu này, tôi xin gửi lời chúc bóng đá Việt Nam thành công hơn, bền vững hơn, vô địch được SEA Games để đừng có ai nhầm lẫn trong đêm Gala là Liên đoàn lao động bóng đá Việt Nam nữa”.

Quảng cáo
hlv le thuy hai tet tet dinh dau tet hlv le thuy hai
Xem thêm