HLV Calisto từng phát biểu, muốn bóng đá phát triển thì đầu tiên cầu thủ phải no cái bụng. Kể từ sau phát biểu của"thầy Tô" đến nay, thu nhập cầu thủ Việt Nam ngày càng giảm, nhưng kỳ vọng lại càng cao.
Nội dung chính
Trong đội hình xuất phát của ĐTVN gặp Iraq tối qua, có tới 7 cầu thủ nhận mức lương chỉ từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Nòng cốt của đội tuyển bây giờ chủ yếu đến từ SLNA và HAGL, những đội được xem là nghèo nhất V.League thời điểm này.
Rõ ràng, nhìn mức lương mà các cầu thủ thuộc hạng ngôi sao của bóng đá Việt Nam đang nhận được so với mặt bằng xã hội, thì chắc chắn chính những cầu thủ cũng phải cám cảnh cho cái nghề bóng đá của mình.
7/11 cầu thủ trong đội hình ĐTVN tối qua chỉ có mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Trong đó, 4 cầu thủ của HAGL đã có thời gian phải sống trong cảnh bị nợ lương trước khi lên tuyển.
Thời HLV Calisto mang về vinh quang cho bóng đá Việt Nam, ông thầy người Bồ Đào Nha luôn nhắc đến yếu tố quan trọng nhất giúp bóng đá Việt Nam phát triển đó là thu nhập cầu thủ phải tăng lên và thu hút được những cầu thủ giỏi từ nước ngoài sang V.League thi đấu. Đó cũng là thời điểm mà V.League được coi là giải đấu số 1 Đông Nam Á.
Sở dĩ bóng đá Thái Lan đang không ngừng vươn xa là do họ nâng cao thu nhập cho các cầu thủ để Thai League thu hút những ngoại binh tài năng, các CLB của Thái khi đó cũng tăng cường tính chuyên nghiệp. Cầu thủ của Thái Lan nhận mức lương cao nhất ở Thai - League là 35.000 USD/tháng, gấp 3 lần thu nhập bình quân của một cầu thủ Việt Nam trong một năm.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam lại đang đi theo một chu trình ngược. VFF đưa ra những điều luật quy định các câu lạc bộ chỉ được chuyển nhượng cầu thủ khi đủ 26 tuổi, thay vì 23 tuổi như quy định của FIFA. Mà các cầu thủ dưới 26 tuổi chỉ được hưởng mức thu nhập dưới 15 triệu.
Thu nhập bình quân mỗi năm của cầu thủ Việt Nam thấp nhất trong 5 giải đấu chuyên nghiệp của Đông Nam Á.
Thu nhập của cầu thủ giảm xuống, chi phí để đầu tư vào một đội bóng cũng giảm theo, giá trị một CLB V.League cũng tụt xuống khủng khiếp. Nếu như năm 2009, nhà đầu tư phải bỏ ra 100 tỷ đồng để mua 1 CLB V.League, thì bây giờ người ta sẵn sàng "cho không, biếu không" mà cũng chẳng ai dám nhận.
Lương, thưởng ngày càng đi xuống, đã thế các cầu thủ ở V.League thi thoảng phải sống chung với cảnh nợ lương. Có đội bóng nọ, HLV còn phải tự ứng tiền túi của mình để lo ăn cho các cầu thủ dọc đường đi thi đấu, vì tiền quỹ của CLB đã trống rỗng. Thậm chí, trước kia có đội bóng cũng hết tiền ăn, cầu thủ phải ăn chịu... cháo lòng mỗi sáng.
Chúng ta cứ nhìn thấy những khoản chi phí chuyển nhượng cả tỷ đồng mà nghĩ rằng cầu thủ Việt Nam thực sự có thu nhập cao. Nhưng thực tế đặc thù của nghề nghiệp và so sánh cùng mặt bằng xã hội cũng như các đồng nghiệp ở cùng khu vực Đông Nam Á, thì cái nghề cầu thủ ở Việt Nam quả thực ... không lung linh như thế, thậm chí là rất... bạc.
Nếu thống kê, trong số 6 giải đấu chuyên nghiệp hiện có ở Đông Nam Á thì thu nhập bình quân một năm của các cầu thủ chỉ xếp thứ 5. Cái bụng còn chưa no, thì làm sao có thể yêu cầu họ tạo thành một đội tuyển có thể chinh phục những giấc mơ cao, xa được.
Thế nên, đừng vội buồn, tiếc hay trách cứ khi nhìn Thái Lan đàng hoàng tiến vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018, bởi bóng đá Việt Nam vốn dĩ đã tự làm tụt hậu mình. Giấc mơ World Cup với bóng đá Việt Nam bây giờ chẳng khác nào ăn... cháo lòng, nói chuyện thế giới.
Theo Lê Thương / Trí Thức Trẻ