Quảng cáo

Bóng đá Việt Nam ơi, thay đổi thế nào để ‘lớn’?

Minh Hùng Minh Hùng
Thứ ba, 19/09/2017 09:56 AM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Làm không tốt, xin từ chức, đó không phải là cách để giúp bóng đá nước nhà ngày càng lớn mạnh, quan trọng hơn là sự thay đổi.

Sau thất bại, họp rút kinh nghiệm, 'kể tội'...

Sau thất bại của tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, bóng đá Việt Nam chưa một ngày được yên ổn. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã từ chức sau thất bại, ông cho rằng mình phải chịu trách nhiệm và chia tay vị trí là cách tốt nhất để thể hiện sự chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, chính quyết định ra đi của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã khiến bóng đá Việt Nam liên tục xảy ra những lùm xùm. Các quan chức VFF cùng HLV Hữu Thắng đã có buổi họp 'mổ xẻ' nguyên nhân thất bại của đội U22 Việt Nam, sau cuộc làm việc đó là phần chia sẻ trước giới truyền thông. Tại đây một quan chức VFF, không nói quá khi vị này đã đổ mọi tội lỗi lên HLV Hữu Thắng và đồng thời khẳng định các ban, quan chức đã làm tròn nghĩa vụ chuẩn bị cho đội U22 Việt Nam trước và khi diễn ra SEA Games 29.

Bóng đá Việt Nam đang rối ren sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29

Những phát biểu kể tội nêu trên sẽ chẳng to chuyện nếu như HLV Hữu Thắng cũng có mặt ở đó, bản thân nhà cầm quân người xứ Nghệ sau đó tỏ ra bất ngờ và gần như phủ nhận hoàn toàn những chia sẻ của quan chức VFF. Cũng bởi những bất đồng thông tin này, một cuộc đối đầu nội bộ VFF được cho là đã bắt đầu khi bầu Đức muốn giải tán Hội đồng HLV quốc gia, còn Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ mới đây cũng tỏ ra bất lực trước những phát biểu của ông chủ HAGL.

Từ những sự việc nêu trên chúng ta có thể thấy các lãnh đạo bóng đá Việt Nam vẫn đang đi trên một con đường, con đường đó đầy sự tranh đua và người thắng cuộc chẳng bao giờ đến thành công.

Thay đổi để lớn mạnh

Cũng sau SEA Games 29, nhìn bóng đá nước bạn, nói thẳng là Thái Lan mà cảm thấy buồn cho thực tại của nền bóng đá nước nhà. U22 Thái Lan xuất sắc giành chức vô địch, nhưng sau giải đấu nữ trưởng đoàn Watanya Wongopasy đã từ chức. Lý do bà Watanya Wongopasy đưa ra là cảm thấy mình sẽ không đóng góp được gì cho bóng đá nước nhà, đặc biệt là kế hoạch phát triển của Liên đoàn trong tương lai. Nói vậy để thấy sự chuyên nghiệp, họ sẵn sàng rời vị trí khi cảm thấy mình trở thành vật cản trên con đường phát triển của bóng đá nước nhà.

Những cá nhân tâm huyết như bầu Đức nghỉ, VFF sẽ ra sao?

Thế nhưng sự chuyên nghiệp không phải luôn được thể hiện bằng những quyết định từ chức... Giống như trường hợp của HLV Nguyễn Hữu Thắng và bầu Đức, mà quan trọng hơn đó là sự THAY ĐỔI. Thử hỏi, những cá nhân có chuyên môn và tâm huyết như HLV Hữu Thắng, bầu Đức... xin nghỉ thì bóng đá Việt Nam sẽ ra sao? Liên đoàn sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế nào? Có thông tin cho rằng, ngay sau khi bầu Đức nộp đơn xin nghỉ, các lãnh đạo Liên đoàn đã và đang thuyết phục ông từ bỏ ý định đó.

U22 Việt Nam không thành công, bầu Đức vẫn còn nguyên tâm huyết cũng như sự kỳ vọng ở các lứa Học viện HAGL tiếp theo. Còn HLV Hữu Thắng, đó sẽ là bài học và ông vẫn còn nguyễn những tài năng trẻ bóng đá Việt Nam để chinh phục trong tương lai.

Tất nhiên sự THAY ĐỔI đi lên cần ở những cá nhân có chuyên môn, thực sự tâm huyết. Còn về VFF, đã quá nhiều lần thất bại và rút kinh nghiệm rồi đâu vẫn vào đó. Lúc này cần có sự cứng rắn, đào thải những cá nhân thiếu chuyên môn cũng như tâm huyết với bóng đá Việt Nam...

Niềm tin ở con đường mới

Bên cạnh những thất bại của các đội tuyển quốc gia, những Học viện trẻ của HAGL, PVF hay Viettel... vẫn liên tục đào tạo sản sinh ra những tài năng bóng đá Việt Nam. Gần đây nhất là thành công của ĐT U15 Việt Nam với chức vô địch Đông Nam Á 2017, hiện tại các 'cậu bé vàng' đang tiếp tục hành trình tại vòng loại U16 châu Á 2018.

Khi đã có những vườn ươm và hạt mầm tốt, chúng ta cần phải chăm sóc thật chu đáo để chờ ngày hái quả ngọt!

Quảng cáo
bóng đá Việt Nam tin tức Việt Nam V-League bầu Đức HAGL VFF
Xem thêm