Quảng cáo

Tuấn Anh, Công Phượng thất bại và chuyện không của riêng ai

Hóa Võ Hóa Võ
Thứ năm, 08/09/2016 17:07 PM (GMT+7)
A A+

Nhiều khả năng, bộ đôi Tuấn Anh – Công Phượng sẽ trở về khoác áo HAGL tham dự V-League 2017. Nếu vậy, canh bạc xuất khẩu lứa cầu thủ đầu tiên của Đoàn Nguyên Đức đã tan thành mây khói.

Ngày hôm qua, trên các mặt báo đồng loạt đưa tin 2 trong số những cầu thủ xuất sắc nhất thế hệ đầu tiên của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, sẽ quay lại chơi bóng tại V.League 2017.

Với những ai theo dõi sát sao bước phát triển của bộ đôi này, có thể thấy rõ chuyện cả hai thất bại đã có nhiều dấu hiệu báo trước. Giờ là lúc ngồi lại với nhau để thấy tại sao những cầu thủ được khẳng định “Có thểchơi bóng tại Châu âu” lại bất lực ở giải hạng 2 Nhật Bản.

Tuấn Anh, Công Phượng, Hoàng Anh Gia Lai, V-League 2017, Tin tức bóng đá Việt Nam,Tuấn Anh – Công Phượng  tham dự V-League 2017

Công Phượng và Tuấn Anh sẽ trở về khoác áo HAGL từ mùa giải năm sau

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến vai trò của bầu Đức

Luôn được ca ngợi bởi tinh thần chịu chơi, con tim yêu bóng đá hiếm ai ở Việt Nam sánh bằng. Quá khứ cho thấy các hành động của ông chủ HAGL luôn mang lại lợi ích cho nền bóng đá nước nhà. 

Hiếm ai dám liều lĩnh bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đầu tư cho đào tạo trẻ như bầu Đức đã và đang làm. Đồng thời, ông cũng chính là một trong những nhà sáng lập ra công ty bóng đá VPF, với mong ước sẽ cải thiện chất lượng của V.League.

Đông đảo NHM Việt Nam đều biết ơn và thán phục một người làm bóng đá vừa có tâm vừa có tầm như  Chủ tịch của HAGL. Vậy nhưng, cũng như hiệu ứng tâm lý Pygmalion nổi tiếng – nếu bạn đặt niềm tin vào một thông tin nào đó, bạn sẽ vô tình hành động sao cho điều đó trở thành hiện thực. Trường hợp của bầu Đức cũng tương tự như vậy.

Bầu Đức quá tự tin vào chất lượng học viện JMG có thể tạo ra những cái tên đẳng cấp Châu âu và đó cũng là lúc  hành động của ông xem chừng mất đi sự chuẩn xác.

Bắt đầu từ việc đôn phần lớn các cầu thủ U19 lên chơi tại V.League 2015. Sau đó là hàng loạt những lời mỉa mai khi HLV Toshiya Miura không triệu tập gà nhà của mình. Đỉnh điểm là tuyên bố các cầu thủ trẻ của mình đủ sức chơi bóng tại Châu âu và ít lâu sau đó là hạ cánh xuống giải… hạng Hai tại Nhật Bản.

Thực tế đã chứng minh những điều ngược lại. Tại V.League 2015, sau trận ra quân thắng Khánh Hòa 4-2, HAGL thua liểng xiểng và dẫn đến việc HLV Guillaume Graechen phải ra đi. Lạ thay, khi gạt đi những cầu thủ U19 và đưa vào sân những người dày dạn hơn, HAGL thắng liền 4 trận cuối mùa để trụ hạng thành công.

Về phần Miura, cựu HLV ĐT Việt Nam hơn một lần khẳng định tài năng của các cầu thủ HAGL nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra điểm yếu thể lực cũng như kinh nghiệm thực chiến ít ỏi.

Rõ ràng là ông đã đúng. Các cầu thủ U19 so với đàn anh đâu có khác gì trẻ con chơi bóng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Song bầu Đức thì không chấp nhận được sự thật ấy!

Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Miura đưa ra thông tin rất đáng chú ý. Ông cho biết, tại Nhật, các cầu thủ 12 -13 tuổi đã có phong cách thi đấu không khác gì cầu thủ tại J.League. 

Ở độ tuổi của Tuấn Anh và Công Phượng, đã không còn được gọi là “cầu thủ trẻ” nữa. Với lứa tuổi đó, các cầu thủ này phải có trình độ của một cầu thủ đội 1.  Điều này một lần nữa lại nói lên sai lầm của bầu Đức khi đưa gà nhà đi xuất khẩu sai thời điểm.

Ảo tưởng quá lớn với lứa U19 đã nhiều lần khiến bầu Đức bị đặt cho biệt danh không mấy hay ho: Đức “nổ”

Cái sự “nổ” của ông còn dẫn đến nguyên nhân thất bại thứ  hai, nằm ở bản thân các cầu thủ này.  Mới chỉ là những chàng trai mới lớn tầm tuổi 19 20, lại được tung hô như những  Messi, Ronaldinho, sao tránh khỏi sự tự mãn.

Sự tự mãn ấy, cộng hưởng thêm ông chủ tịch sẵn sàng dẹp đội hình chính để đôn cầu thủ trẻ lên, miệng thì luôn ca thán đòi… sa thải HLV ĐTQG vì không cho họ vào sân,  sẽ sinh ra tâm lý: Đi tới đâu cũng phải là sao, phải nghiễm nhiên có suất đá chính. Đó chính là cái bẫy giết chết hàng loạt măng non trên thế giới.

Và khi đối mặt với việc phải ngồi ghế dự bị, tâm lý chán nản sẽ không tránh khỏi. Liệu có ai dám chắc những Tuấn Anh, Công Phượng đã cố gắng hết sức mình để có thể tìm kiếm cơ hội vào sân? Hãy nhìn vào đàn anh Công Vinh, một người trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp cũng từng chơi bóng tại Nhật. Chính sự từng trải đó giúp anh có chuyến đi được đánh giá là thành công nơi đất khách quê người.

Chưa hết, thể lực cũng là vấn đề đáng bàn. Đây là yếu tố hoàn toàn có thể cải thiện được.Song, bất cứ thông tin nào đính kèm hình ảnh của các cầu thủ này, ta đều thấy những chàng trai gầy gò tội nghiệp, đặc biệt là Tuấn Anh.  Nếu không có thể lực tốt, dù kỹ thuật có tốt đến mấy, HLV trưởng cũng khó trao suất đá chính.

Vấn đề cuối cùng lại nằm ở yếu tố ngoài chuyên môn. Đó là kỹ năng giao tiếp. Mới đây, xuất hiện một video về màn ăn mừng chiến thắng của Mito Hollyhock, đáng nói, khi mọi cầu thủ trên băng ghế dự bị đứng dậy chia vui thì Công Phượng lại lảng đi với một khuôn mặt khá “thái độ”. Về phần Tuấn Anh, tiền vệ này nổi tiếng giao tiếp ít, thậm chí không có cả facebook cá nhân,  điều đó sẽ khiến anh khó hòa nhập với đội bóng mới.

Người Nhật có những văn hóa rất khắt khe ở nơi làm việc. Họ rất dị ứng với những cá nhân kém hòa đồng với tập thể. Nếu không thể trở thành một phần của đám đông, bạn khó có thể tổn tại.

Thất bại ngày hôm nay, như đã nói ở trên, không hoàn toàn thuộc về một bên nào cả. Nó đến từ nhiều phía và cần được nhìn nhận một cách toàn diện bởi cả bầu Đức lẫn các cầu thủ.

Dẫu sao, cũng phải có một cái nhìn khách quan hơn. Thời gian vừa qua, dù thành công hay thất bại, Công Phượng, Tuấn Anh hẳn cũng có những cái nhìn đúng đắn hơn về bản thân cũng như những cầu thủ đồng trang lứa bên ngoài.

Sự chững lại này, biết đâu, sẽ giúp cả hai hoàn thiện bản thân mình, từ đó, phát triển vượt bậc cả kỹ – chiến – thể để nâng cao trình độ HAGL cũng như V.League

Toàn Vũ

Quảng cáo
Tuấn Anh Công Phượng Hoàng Anh Gia Lai V-League 2017 Tin tức bóng đá Việt Nam Tuấn Anh – Công Phượng tham dự V-League 2017
Xem thêm