Manchester United là đội bóng có lượng cổ động viên đông đảo nhất thế giới, bởi vậy, được đặt chân đến Old Trafford, tận hưởng không khí cuồng nhiệt mà mỗi trận đấu đem lại có lẽ là niềm mơ ước của người hâm mộ “Quỷ đỏ”. Song Vũ Huỳnh Giang còn làm được hơn thế bằng một công việc “trong mơ” ngay tại M.U.
Vũ Huỳnh Giang trong ngày làm việc tại sân Old Trafford (ảnh do nhân vật cung cấp)
“Rẽ ngang” con đường học tập vì tình yêu từ tấm bé
Sớm xa Việt Nam từ khi còn là một cậu nhóc tuổi teen, sau 6 năm miệt mài "chinh chiến" tại Mỹ, Vũ Huỳnh Giang, sinh năm 1991, đã xuất sắc tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh. Tuy nhiên, ước mơ được đặt chân tới nước Anh, được đắm mình trong không khí cuồng nhiệt trứ danh của Old Trafford đã liên tục thôi thúc Giang đến với xứ sở sương mù. Cuối cùng, thay vì tiếp tục theo học lên bậc Thạc sĩ tại Mỹ, thì Giang đã quyết định lựa chọn trường Đại học Manchester (Anh).
Do thời lượng học tập bậc Thạc sĩ tại Anh chỉ gói gọn trong 1 năm nên lịch học của Giang khá dày đặc. “Đại học Manchester nằm trong top 10 trường đại học hàng đầu nước Anh, do vậy nhà trường luôn đặt yêu cầu rất cao đối với các sinh viên. Hàng ngày sau giờ học trên giảng đường, mình vẫn phải dành phần lớn thời gian trong thư viện tự nghiên cứu thì mới có thể bắt kịp được tiến độ dạy học của các giáo viên tại đây”, Giang chia sẻ.
Vũ Huỳnh Giang đã tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Manchester (Anh)
Tuy nhiên lịch học “căng như dây đàn” vẫn không ngăn Giang tìm kiếm một công việc làm thêm, vừa để trang trải cho việc học hành, sinh hoạt hàng ngày, cũng vừa để tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc sau khi ra trường. Vào mùa hè khi việc học tập cũng đã được phần nào ổn định, nghe tin M.U đang có đợt tuyển dụng, Giang đã không bỏ qua cơ hội này.
Giang cho biết: “Trước mỗi mùa giải mới, các đội bóng tại Anh đều tổ chức tuyển dụng cho các vị trí hậu cần trong sân. Mặc dù cũng có nộp hồ sơ vào Man City, Arsenal, Liverpool, song mình vẫn có hứng thú với M.U hơn cả, bởi đó là đội bóng mình đem lòng yêu mến từ hồi tấm bé. Bên cạnh đó, mình có thể tranh thủ “cóp nhặt” kha khá kinh nghiệm quý giá liên quan đến ngành mình theo học là quản trị kinh doanh, một khi được làm việc cho một trong những câu lạc bộ làm thương mại hàng đầu trong ngành công nghiệp bóng đá thế giới.”
Hành trình đến với “Nhà hát của những giấc mơ”
Trong quá trình tìm đọc về chiến lược phát triển thương hiệu Manchester United, Giang đã có cái nhìn cụ thể hơn về công việc kinh doanh của CLB. Theo đó, bên cạnh các hoạt động tài trợ truyền thống, nhứng sản phẩm dịch vụ tài chính, thậm chí đến cả kinh doanh nhà hàng, M.U còn tiến hành khai thác sân Old Trafford, bằng cách tạo ra doanh thu vào những ngày đội bóng thi đấu.
Với hình ảnh năng động, thời gian linh hoạt, cũng như được làm việc trực tiếp trong cùng thời điểm các trận đấu diễn ra, vị trí nhân viên hậu cần trong sân luôn được coi là công việc “đỉnh”, thu hút được sự quan tâm của đông đảo ứng viên.
Do chế độ thị thực tại Anh chỉ cho phép các du học sinh đang theo học tại đây được đi làm tối đa 20 tiếng/tuần nên Giang chỉ có thể thi tuyển vào vị trí nhân viên bán thời gian. Sau khi nghiên cứu kỹ tính chất công việc, cũng như giờ giấc phù hợp với lịch học, Giang đã quyết định nộp đơn vào vị trí kiosk assistant – phụ trách gian hàng bán thời gian tại sân Old Trafford.
Lúc đầu Giang cũng khá lo lắng và nghĩ rằng sẽ không có nhiều cơ hội cho mình. “Mình đã đến sân Old Trafford nhiều lần và để ý thấy có rất ít nhân viên người châu Á làm việc trong sân. Nhưng viễn cảnh được làm việc cho đội bóng mình yêu lại liên tục thôi thúc mình. Dù sao nếu trượt thì mình vẫn thu được một chút kinh nghiệm đi xin việc cho những lần sau.”, Giang nhớ lại.
Vũ Huỳnh Giang chia sẻ cơ hội làm việc cho M.U là để hiện thực hóa ước mơ với đội bóng yêu thích từ tấm bé
Quy trình tuyển chọn của M.U bao gồm 4 vòng: xét duyệt hồ sơ xin việc, phỏng vấn bằng điện thoại, phỏng vấn trực tiếp và hoạt động nhóm. Giang cho rằng, khó khăn lớn nhất của những những người ứng tuyển vào các đội bóng lớn tại Anh và những ứng viên quốc tế như Việt Nam nói riêng là phần nộp CV (hồ sơ xin việc).
Hàng ngày có quá nhiều đơn được gửi tới M.U, vì thế có thể có rất nhiều CV sẽ không được đọc. Bên cạnh đó, những ứng viên bản địa sẽ có nhiều cơ hội hơn, bởi rào cản ngôn ngữ khiến các tuyển trạch viên thường bỏ qua các ứng viên châu Á nếu không có quá nhiều lợi thế nổi trội.
Nếu như vượt qua vòng này, việc phỏng vấn sẽ không quá khó khăn, chỉ cần các ứng viên chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ về kiến thức đội bóng, cũng như sự tự tin, tiếng Anh tốt. Vượt qua vòng đầu tiên, Giang được mời tham gia buổi phỏng vấn ngay tại sân Old Trafford.
Tại đây, các tuyển trạch viên đã tập trung hỏi Giang về những kinh nghiệm và cách xử lý một số tình huống có thể xảy ra trong việc phục vụ khách hàng. Do có nhiều kinh nghiệm làm thêm từ khi còn theo học tại Mỹ nên Giang không gặp quá nhiều trở ngại.
Đặc biệt, buổi phỏng vấn này được diễn ra ngay tại những ô VIP của sân Old Trafford. Giang bồi hồi nhớ lại: “Cảm giác thật tuyệt khi được ngồi trong những khu vực đắt tiền nhất và có góc nhìn đẹp nhất sân Old Trafford. Những ô hạng sang này được thiết kế với các tiện nghi tương ứng khách sạn 5 sao chuyên phục vụ những khán giả lắm tiền nhiều của, do vậy thật thú vị khi có một ngày được trải nghiệm cảm giác xem bóng đá như người giàu như thế nào.”
Sau đó 2 tuần, Giang đã nhận được email của bộ phận quản lý nhân lực của M.U mời tham gia buổi Orientation. Orientation là vòng sát hạch ứng viên cuối cùng, trong đó các ứng viên sẽ phải thể hiện bản thân mình trong môi trường tập thể thông qua các kỹ năng như hoạt động nhóm, quản lý thời gian và chịu đựng áp lực.
Lọt vào “mắt xanh” của đội ngũ tuyển dụng, Giang đã vượt qua thử thách cuối cùng, chính thức được nhận vào đội ngũ nhân viên của M.U.
Làm việc cho M.U thì như thế nào?
Trong ngày diễn ra trận đấu, phía M.U yêu cầu nhân viên hậu cần phục vụ trong sân phải có mặt và check-in (đăng ký) tối thiểu 3 tiếng trước khi trận đấu bắt đầu. Sau khi check-in xong, nhân viên sẽ được kiểm tra đồng phục trước khi bước vào sân. Theo quy định, cả nam và nữ đều phải mang quần Tây đen và giày da đen nhằm tạo hình ảnh chuyên nghiệp nhất cho CLB.
Giang được phân công làm việc tại khu vực Family Stand dành cho người hâm mộ có vé năm và thường đi với gia đình và trẻ nhỏ. Vì vậy, khu vực này đặt ra yêu cầu khắt khe hơn đối với đội ngũ nhân viên khi phải làm việc với cả người già và trẻ nhỏ.
Thẻ nhân viên của Giang tại M.U
Tại quầy bán hàng, Giang phải sắp xếp các loại thức ăn và đồ uống vào những vị trí yêu cầu để chuẩn bị bán. Trung bình một quầy hàng sẽ có 4 nhân viên có nhiệm vụ vừa bán vừa tính tiền, 1 người quản lý và 1-2 người hỗ trợ ở đằng sau. Khi mọi thứ đã vào vị trí, tất cả nhân viên ở một khán đài sẽ họp nhanh với quản lý nhằm nghe phổ biến những thông tin đặc biệt về trấn đấu, cũng như doanh thu tối thiểu trong ngày phải đặt được.
1 tiếng trước khi trận đấu bắt đầu, cửa sẽ mở cho người hâm mộ vào khán đài và đó cũng là lúc Giang bắt đầu công việc của mình. Giang cho biết, trước trận đấu và nghỉ giữa hiệp là hai là khoảng thời gian bận rộn nhất khi các nhân viên sẽ phải làm việc hết công suất để phục vụ hơn 100 khách hàng.
Ngay sau khi hiệp 2 bắt đầu, Giang sẽ phải dọn dẹp và đóng cửa quầy hàng. Đối với nhân viên bán hàng kiêm thu ngân như Giang, nguy cơ chênh lệch trong thu tiền thực tế và kiểm kê trên hệ thống rất dễ xảy ra, song Giang luôn hạn chế mắc phải sai sót đó. Trận đấu kết thúc cũng là lúc Giang hoàn thành công việc của mình. Tổng cộng, một ngày làm việc của Giang kéo dài từ 5-6 tiếng.
Thành tích đạt được
Dù chỉ là “lính mới”, song trong khoảng thời gian làm việc cho đội ngũ bán hàng trong sân, Giang đã đạt được một số thành tích đáng nể.
Cụ thể, Giang luôn luôn duy trì mức bán trên mức trung bình trong tất cả các trận đấu mình phụ trách. Đặc biệt, trong trận M.U – Liverpool diễn ra ngày 12/9/2015, Giang đã góp phần giúp đội của mình phá kỷ lục bán hàng trong một trận đấu, khi khu vực khán đài đội của Giang quản lý đã thu được 167.000 bảng Anh, vượt qua kỷ lục cũ 200 bảng.
Góc làm việc của Giang trong sân Old Trafford
Chia sẻ về khoảng thời gian tuyệt vời này, Giang bồi hồi nhớ lại: “Cảm giác thật tuyệt vời sau mỗi trận đấu mà đội bóng mình yêu mến giành chiến thắng, bởi cảm giác như mình đã góp phần vào chiến thắng đó. Thêm nữa, lối vào sân của mình là nơi các cầu thủ đi vào. Được tận mắt chứng kiến những người hùng của đội bóng vẫy tay chào mình trước khi bước vào sân khởi động thật là một cảm giác tự hào và xúc động kỳ lạ.”
Tuy nhiên công việc không phải lúc nào cũng có niềm vui. Đôi khi gặp những cổ động viên quá khích đến từ những đội bóng kình địch với M.U như Liverpool, Chelsea hay Manchester City, các nhân viên vẫn phải giữ thái độ chuyên nghiệp và đúng mực ngay cả khi bị khiêu khích hoặc chửi rủa.
Bên cạnh đó, với danh tiếng là thương hiệu “thương mại hóa bóng đá” hàng đầu thế giới, M.U luôn đòi hỏi sự hoàn hảo đến từng chi tiết. Bởi vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ như mặc đồng phục không đúng quy định, hay đưa đồ ăn nguội cho khách hàng, Giang có thể phải trả giá bằng chính việc làm của mình.
Giang có cơ hội được chụp ảnh với HLV Van Gaal
Mặc dù đã quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc khóa học Thạc sĩ, Giang cho rằng, khoảng thời gian làm việc tại M.U đã giúp ích Giang rất nhiều cho công việc hiện tại trong một tập đoàn kiểm toán hàng đầu của nước ngoài tại Việt Nam.
Không những được làm việc cho chính đội bóng mình yêu quý từ tấm bé, mà chính việc được làm việc trong một tập đoàn lớn đã giúp Giang có được những kinh nghiệm kinh doanh quý giá. “Mình học được từ họ phong cách làm việc chuyên nghiệp, chính xác đến từng chi tiết, cũng như nguyên tắc luôn đặt khách hàng lên hàng đầu.”
Khi được hỏi về mối lương duyên với M.U, Giang cười tươi: “Trong tương lai mình chắc chắn sẽ quay trở lại Old Trafford, với tư cách trưởng bộ phận kinh doanh của M.U chẳng hạn.”
Theo: Nam Anh - VNtinnhanh.vn
Tiêu đề bài viết đã được Thethao247.vn đặt lại