Với VĐV thể thao, chỉ qua tuổi 30 đã được coi là về vườn. Vậy thì trông mong gì ở một tiền đạo già 38 tuổi tại World Cup? “Tôi chưa bao giờ cảm thấy sung sức như bây giờ”, câu nói của Roger Milla trước VCK Italia 90 thoạt nghe như đùa nhưng trở thành bất hủ trong lịch sử bóng đá thế giới.
Thật vậy, phong độ của “ông lão” Milla tại đất Ý năm đó khiến các chuyên gia bóng đá sửng sốt. Cùng với sự toả sáng của “sư tử già” Milla (4 bàn thắng), Cameroon bất ngờ vượt mặt một loạt đối thủ và chỉ chịu bị chặn đứng đáng tiếc bởi ĐT Anh tại tứ kết (thua 1-2 ở hiệp phụ).
Sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo ở thủ đô Cameroon (Yaounde), cuộc sống của cậu bé Milla rong ruổi theo ông bố vốn là một nhân viên ngành đường sắt. Nhưng tại bất cứ đâu, Milla cũng hoà nhập với đám trẻ trên đường phố bằng niềm đam mê trái bóng tròn cùng năng khiếu thiên bẩm. Và cũng tại bất kỳ vỉa hè nào nơi Milla từng đặt chân, cậu đều được bạn bè gọi là “Pele”.
Bóng đá bài bản đến với Milla năm 13 tuổi, khi cậu được bố đăng ký vào lớp năng khiếu của CLB Douala. Kỹ thuật vượt trội so với bạn cùng lứa và đặc biệt tài săn bàn bẩm sinh của Milla khiến cậu liên tục được nhẩy cóc lên tập luyện cùng các đồng đội lớn tuổi hơn. Và chỉ sau 4 năm “dùi mài”, Milla được đôn lên đội hình 1, trở thành tay săn bàn chủ lực của Douala. Danh hiệu VĐQG đầu đời đến với Milla năm 1972, lúc ông mới 20 tuổi. Douala bỗng trở nên tầm thường, ngôi sao trẻ Milla trở về thủ đô, gia nhập CLB số 1 Cameroon - Tonnerre Club de Yaounde. Bắt đầu từ đó, sự nghiệp của Milla thăng tiến chóng mặt.
Nhưng phải chờ đến năm 24 tuổi, Milla mới được tin tưởng gọi vào ĐTQG. Mùa bóng 1975/76 là quãng thời gian đẹp nhất của Milla khi còn thi đấu ở quê nhà: cùng Tonnerre Club đoạt Cup C2 châu Phi; trình làng trong màu áo ĐT Cameroon; đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng châu Phi.
Thành công rực rỡ như vậy, đương nhiên “viên ngọc châu Phi” lập tức lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên ở châu Âu. Và cũng như nhiều bậc đàn anh, Milla chọn mẫu quốc Pháp cho chặng đường tiếp theo. Nhưng do thiếu kinh nghiệm và chọn lầm người đại diện, Milla hạ cánh ở Valenciennes 2 năm, nơi ông bị ăn chặn tiền lương và mài mông trên ghế dự bị. Chỉ đến khi phóng sự của đài truyền hình Cameroon về cuộc sống trong căn hộ nghèo nàn trị giá 300 franc/tháng của “Quả bóng Vàng châu Phi” được công chiếu, Milla mới thoát khỏi những ngày đen tối. Ông về Monaco chơi duy nhất 1 mùa giải nhưng không khẳng định được năng lực nên đành đầu quân cho Bastia ở đảo Corse - CLB xoàng xĩnh thuộc giải hạng Nhất Pháp.
Song chính từ đây, người Pháp bắt đầu phải trầm trồ về Milla. Ông là người hùng của Bastia trong chiến dịch đoạt Cúp QG Pháp (81), hình ảnh trái ngược với một Milla cô đơn trên băng ghế dự bị tại Monaco (CLB này cũng đoạt Cúp Pháp mùa bóng trước đó).
Tuy không thật rực sáng tại châu Âu nhưng những gì Milla đạt được trong màu áo ĐT Cameroon mới thực sự là độc nhất vô nhị. Ông từng giải nghệ sau mùa bóng cuối chơi cho Montpellier (87) và lui về ở ẩn tại Reunion, một hòn đảo nhỏ thuộc Ấn Độ Dương. Trong suốt 3 năm tại đây, Milla chỉ vui thú cùng gia đình và chơi bóng trên bãi biển. Cho đến một ngày trước World Cup 90, Milla nhận được cú điện thoại từ đích thân Tổng thống Cameroon khẩn khoản mời ông về tham gia ĐT. Quá đỗi ngạc nhiên nhưng ông vẫn vui vẻ lên đường đến nước Ý trong sự nghi ngờ của giới chuyên môn.
Những gì diễn ra sau đấy đã trở thành huyền thoại. Một mình Milla ghi 2 bàn vào lưới Colombia (trong đó có pha bóng “làm nhục” TM Higuita) giúp Cameroon, đội bóng châu Phi đầu tiên có mặt tại tứ kết World Cup. Và hình ảnh ông cùng đồng đội Makossa ăn mừng bàn thắng theo một vũ điệu châu Phi quanh cờ phạt góc đã trở thành khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử các VCK bóng đá TG.
Chưa hết, Milla còn tham dự World Cup 94, và bàn thắng ông ghi được khi đã 42 tuổi tại Mỹ năm đó được ghi nhận là kỷ lục trong trang vàng FIFA. Sau khi treo giầy, Milla trở thành chính khách đầy uy tín. Ông từng đảm đương cương vị Đại sứ của Cameroon trong phong trào chống bệnh dịch AIDS ở châu Phi.
|