Nếu hỏi bất kể một ai đó rằng: Bao giờ Việt Nam có thể tham dự VCK World Cup? Sợ rằng phần đông người được hỏi sẽ coi đó là một câu hỏi tu từ, một câu hỏi không tử tế và không đáng để trả lời. Thế nhưng, nếu đem câu hỏi đó đến SVĐ quận 8 TP HCM, dù là hỏi ai thì bạn cũng chỉ nhận được 1 câu trả lời rất hồn nhiên và ngắn gọn: năm 2020!
Nội dung chính
Cái chất của những người làm Futsal
Có 1 thực tế là đa số những người theo nghiệp Futsal đều nói ít, làm nhiều. Ngoài ra, họ còn giống nhau ở chỗ: luôn hồn nhiên với cuộc chơi và bất chấp tất cả để theo đuổi đam mê của mình. Nguyễn Bảo Quân – người 5 năm giữ băng thủ quân ĐTQG hồ hởi kể lại với chúng tôi về cái ngày định mệnh của Futsal Việt Nam, cái ngày mà ông bầu Trần Anh Tú quyết định sẽ chơi tất tay ván bài “chuyên nghiệp” với 1 bộ môn lúc đấy còn mang quá nặng tính phong trào: “Đó là năm 2007, Quân đang còn chơi cho Dimah. Năm đó anh Tú đi xem đội tuyển đá ở Thailand,quân mình thua liểng xiểng, nhìn mặt anh Tú lúc xanh lúc vàng, buồn cười không thể chịu nổi. Sau đó chắc máu dân tộc nổi lên, anh Tú về hừng hực làm đủ mọi thứ, quyết đưa bằng được Futsal lên chuyên nghiệp”
Bầu Tú và Nguyễn Bảo Quân, đội trưởng ĐT Futsal Việt Nam
Quả thật, làm thể thao mà không có máu ăn thua thì lấy đâu ra động lực. Nhìn những lần bầu Tú gào thét ở trên sân, chẳng mấy ai nghĩ đây lại là một trong những doanh nhân điềm đạm có tiếng ở đất Sài Gòn. Quân cười và kể có lần, cả đội đá hời hợt để thua Khánh Hòa, trận thứ 2 tiếp tục mất tập trung: “Lúc đó thầy Tú lao ầm ầm từ trên khán đài xuống, vào phòng thay đồ cầm chai nước ném xèo mặt em rồi đứng hát Rock metal. Thế nhưng đến khi đá xong, lại xuống sân động viên, làm lành với học trò”
Lúc nóng thì như vậy chứ khi bình thường, bầu Tú chăm nom anh em chẳng khác gì một người anh cả trong gia đình. Cả đội đi tập huấn ở Châu Âu, không ăn được đồ Tây. Sợ anh em không có sức tập tành, bầu Tú hàng ngày tất tả đi chợ, rồi vào bếp nấu ăn cho cả đội. Với anh em trong gia đình Futsal Thái Sơn Nam, thì chẳng có cái gì mà ông “anh nuôi” Tú Trần không tự làm được cả. Có lẽ quãng thời gian khó khăn khi mới đặt chân đến đất Sài Gòn đã tôi luyện bầu Tú trở thành một con người vững chãi như vậy. Trước khi đến với kinh doanh, chẳng mấy người biết rằng ông từng làm cả “anh nuôi” rồi bảo vệ để có thể trụ lại ở mảnh đất Sài Thành. Thế nên dù nóng tính, nhưng bầu Tú sống rất tình cảm với những người xung quanh. Ở CLB futsal Thái Sơn Nam, chẳng cầu thủ nào không biết câu nói cửa miệng của Bầu Tú mỗi khi cáu vì đội đá hời hợt: “Chúng mày đá như thế, mai tao đuổi việc hết!” Ngay lập tức hôm sau trên sân tập, câu nói ấy được cả đội nhại lại để trêu nhau mỗi khi đá lỗi: “Chúng mày sút như thế”, “Chúng mày chuyền như thế, ngày mai tao đuổi việc hết” Thế rồi cả đội lại cười toe toét với nhau và chẳng ai sợ bị đuổi việc cả.
Quân kể rằng mọi người trêu nhau như vậy không phải vì không biết lỗi, nhưng sai đâu thì sửa cho đúng chứ thầy Tú chưa đuổi ai bao giờ. “Thầy cáu lên thì nói vậy thôi, chứ có những người thầy biết là không đá được nhưng vẫn giữ. Có lần nửa đêm thầy gọi điện tâm sự, nói là đuổi nó thì nó sống bằng gì? Thế rồi lại tạo điều kiện cho làm việc khác để mưu sinh”
Hãy đến World Cup bằng Futsal
Không cần phải so sánh với bóng đá truyền thống, những người làm futsal luôn tâm niệm rằng: Việc ai người nấy làm! Họ đi trên một con đường độc lập, hướng đến những điều lớn lao bằng những thứ bình dị nhất.
Nhiều người cho rằng hình ảnh của Futsal Việt Nam chẳng khác gì bản thân con người của bầu Tú. Người ta thấy họ kiệm lời, làm việc nghiêm túc và quan trọng nhất là họ cống hiến bằng cái tâm không vụ lợi. Điều đó quả không sai. Bầu Tú lao vào làm futsal bằng đúng tất cả những gì mình có trong tay. Điều đó khác hẳn với đa số các ông bầu đang làm bóng đá ở Việt Nam, thường thì họ chỉ nghĩ đến bóng đá khi đã ổn định tài chính, thậm chí có những người còn kinh doanh bóng đá. Bầu Tú thì khác, ông đến với futsal khi Thái Sơn Nam còn đang lần mò từng bước trên đường đua của các doanh nghiệp ở đất Sài Thành.
Song song với việc gồng gánh, khẳng định cái tên Thái Sơn Nam trên thương trường. Những lúc có thời gian, bầu Tú lại xách vali lên và đi. Ông lang thang khắp nơi để quan sát và tìm hướng đi cho Futsal Việt. Từ những nước láng giềng như Thái Lan, Indo, Malay cho đến Châu Âu rồi nửa vòng trái đất như Brazil, đi đến đâu bầu Tú cũng thấy họ có một giải vô địch quốc gia phát triển mạnh – Đó chính là nguồn cung cấp cầu thủ cho ĐTQG. Ông tâm niệm như vậy và quyết phải xây dựng một giải đấu VĐQG theo hướng chuyên nghiệp.
Ròng rã ngót10 năm, Futsal Việt đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiền. Chiếc huy chương lịch sử của Thái Sơn Nam tại giải các CLB châu Á 2015 như một lời khẳng định chắc nịch cho giấc mơ dự world cup của futsal Việt Nam.
Chẳng có gì viển vông khi Châu Á có 5 suất dự VCK World Cup 3 đội mạnh nhất là Iran, Nhật và Thái Lan gần như đã chắc suất. 2 suất còn lại cuộc chạy đua của 5 đội còn lại trong top 8 Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nói như vậy để thấy chúng ta đã gần như chạm được 1 tay vào tấm vé dự World Cup. Ấy vậy mà không nhanh không chậm, không kèn, không trống… phong trào Futsal cứ âm thầm từ các sân vận động len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm… rồi đến cả học đường.
World Cup xét cho cùng cũng chỉ là mục tiêu, là động lực cho những người làm Futsal có thể tôn vinh màu cờ sắc áo của dân tộc. Thiết nghĩ đó cũng chính là lý do khiến bầu Tú bắt tay vào làm chuyên nghiệp khi chứng kiến đội tuyển thua đau ở Thái năm 2007. NHM giờ công bằng lắm, cái gì xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ tìm đến được với trái tim. Có lẽ chẳng cần đến tấm vé dự VCK đâu, chỉ cần giữ được tinh thần cống hiến như vậy thì Futsal chắc chắn đã chạm vào tim của những người yêu bóng đá Việt rồi.