Một bài toán khó giải đã xuất hiện ngay khi chúng ta nhìn thấy bản danh sách triệu tập chuẩn bị cho Asian Cup của ông Troussier, đó chính là 'chống bóng bổng.
Mỗi khi bước ra sân chơi tầm cỡ châu lục, đội tuyển Việt Nam đều gặp bất lợi về thể hình. Câu chuyện lại một lần nữa lặp lại ở VCK Asian Cup 2023 lần này, khi liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chỉ ra rằng đội tuyển Việt Nam có chiều cao trung bình thấp nhất toàn giải. Vậy bài toán chống bỏng bổng lần này của đội tuyển sẽ được ông Philippe Troussier và các học trò xử lí như thế nào khi trước mặt chúng ta là những "gã khổng lồ", theo đúng nghĩa đen?
Khi đối thủ đều là những 'gã khổng lồ'
Chưa cần phải nhắc đến những đối thủ đã quá vượt trội về chiều cao như Iran hay Hàn Quốc, hãy nói về chính bảng đấu của đội tuyển Việt Nam nơi có sự xuất hiện của Nhật Bản, Iraq và Indonesia. Trước hết là Indonesia. Trong giải đấu lần này, HLV Shin Tae-Yong đã đem sang Qatar một đội hình có hơn phân nửa là những cầu thủ nhập tịch. Điểm chung của những cầu thủ này là họ đều sinh ra ở châu Âu và có sẵn lợi thế về mặt thể hình.
Ví dụ, Indonesia có trung vệ Elkan Baggott cao 1m94, Justin Hubner cao 1m87, hậu vệ phải Sandy Walsh cao 1m84, hậu vệ trái Shayne Pattynama cao 1m86, trung phong Rafael Struick cao 1m85. Nếu như loại trừ thủ thành Filip Nguyễn ra, thì chỉ một mình hậu vệ Sandy Walsh thôi đã cao hơn tất cả các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam trong danh sách tập trung.
Với một dàn cầu thủ không khác gì một đội tuyển châu Âu, rất nhiều khả năng Indonesia sẽ tập trung khai thác một cách triệt để những tình huống bóng bổng, đặc biệt là trong trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam khi HLV Shin Tae-Yong chắc chắn đã nắm được những bất lợi về mặt chiều cao của chúng ta. Còn nhớ ở trận đấu giao hữu với Argentina, Indonesia đã khiến các nhà ĐKVĐ thế giới không ít lần phải giật mình vì họ không ngờ rằng đội bóng xứ vạn đảo sẽ liên tục tạt bóng bổng vào trong vòng cấm. Lối chơi vô cùng khó chịu này kết hợp với sự quyết liệt vốn có của người Indo hứa hẹn sẽ đem đến rất nhiều vất vả cho đội tuyển Việt Nam.
Tiếp đến là Nhật Bản. Trên thực tế, đội tuyển Nhật Bản rất toàn diện khi ngoài những tình huống bóng bổng ra thì họ gần như vượt trội về mọi mặt từ kĩ chiến thuật, thể hình cũng như thể lực. Bóng đá Nhật Bản trong khoảng thời gian gần đây đã chú trọng hơn đến việc nâng cao thể chất cho các cầu thủ, đơn giản vì họ đã quá thấm thía bài học từ đội tuyển Bỉ tại World Cup 2018. Trận đấu đó người Nhật đã sớm dẫn trước 2-0, nhưng sau cùng vẫn phải tay trắng rời giải đơn giản vì đội tuyển Bỉ đã sử dụng ngón bài “tủ” của họ, đó là những pha “không chiến” trong khu vực 16m50.
Hãy nhìn vào lực lượng của đội tuyển Nhật Bản tại VCK Asian Cup lần này. Đội bóng của HLV Moriyasu có các trung vệ cao lớn là Ko Itakura (1m87), Hiroki Ito (1m88), Haruya Fujii (1m87) và Koki Machida (1m90). Không chỉ vậy, việc đa phần các ngôi sao của đội tuyển Nhật Bản đều đang thi đấu tại châu Âu sẽ giúp các cầu thủ này có rất nhiều kinh nghiệm trong những pha bóng đòi hỏi thể chất. Chính những sự cải thiện rõ rệt về mặt thể hình cũng như thể chất này đã giúp đội tuyển Nhật Bản đánh bại được những ông lớn sừng sỏ như Đức hay Tây Ban Nha.
Và tất nhiên không thể không nhắc đến Iraq, đội tuyển này sở hữu các cá nhân rất toàn diện về cả kĩ thuật lẫn thể hình. Chắc hẳn NHM Việt Nam vẫn còn nhớ bàn thắng muộn của Iraq trước chính đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026. Mặc dù trận đấu đã trôi về những phút cuối cùng, nhưng cầu thủ của Iraq vẫn đủ sức dốc bóng gần nửa chiều dài sân, vượt qua được sự truy cản của Tuấn Tài trước khi tạt bóng bổng vào vòng cấm để tận dụng chiều cao vượt trội của trung phong đánh đầu tung lưới Văn Lâm.
Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam?
Để chống lại được những tình huống rót bóng bổng vào trong vòng cấm, đầu tiên chúng ta cần phải có những trung vệ và thủ môn có thể hình và chiều cao tốt. Niềm hy vọng của tuyển Việt Nam sẽ đặt lên vai trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh (1m84) và Nguyễn Thanh Bình (1m83). Ngoài ra phải nhắc đến thủ thành Filip Nguyễn với chiều cao vượt trội 1m91. Thủ thành nhập tịch này chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong những tình huống chống bóng bổng của đội tuyển Việt Nam.
Trong những buổi tập gần đây, Filip Nguyễn liên tục được HLV Troussier yêu cầu thực hiện những bài tập chống bóng bổng. Ban huấn luyện luôn đặt nấm chiến thuật ở những vị trí khó để giúp thủ môn của CAHN làm quen dần với những tình huống có thể xảy ra trong trận đấu.
Một phương án khác mà các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam có thể sử dụng, đó chính là hạn chế tối đa những tình huống tạt bóng từ hai biên hay các tình huống cố định như phạt góc. Đây cũng là phương án đã từng được thầy Park sử dụng rất hiệu quả mỗi khi chúng ta phải đối đầu với những đội thích sử dụng những pha tạt bóng. Và để làm được điều này, các cầu thủ cần chịu khó áp sát và căn thời điểm chính xác để gây áp lực, từ đó khiến các chân tạt bóng của đối thủ không có đủ không gian và thời gian để thực hiện một tình huống xử lý tốt.