Giai đoạn 2 giải bóng chuyền VĐQG 2024 sẽ khởi tranh vào tháng 11 tới, và các CLB vẫn ráo riết tìm kiếm phương án ngoại binh để kịp chuẩn bị chuyên môn.
Tại giai đoạn 1 giải bóng chuyền VĐQG - Cúp Hóa chất Đức Giang 2024, các ngoại binh đến từ Thái Lan chiếm số lượng lớn (13 cầu thủ) ở cả hai nội dung nam và nữ. Điển hình có những đội như Binh chủng Thông tin hay Quảng Ninh sử dụng hai suất ngoại binh đều là các cầu thủ đến từ xứ Chùa vàng.
Sở dĩ, các cầu thủ bóng chuyền Thái Lan đồng ý sang Việt Nam thi đấu bởi mức đãi ngộ tốt cùng điều kiện thi đấu, khí hậu tương đồng. Tuy nhiên, thời gian thuê ngoại binh của các đội tại giải VĐQG chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 tuần, do hai giai đoạn thi đấu được sắp xếp riêng biệt. Điều này khiến cho các ngoại binh lưỡng lự trong việc trở lại Việt Nam thi đấu.
Trong mùa giải 2024, bóng chuyền nữ Thái Lan ghi nhận số lượng kỷ lục về VĐV xuất ngoại thi đấu. Tổng cộng có 24 cầu thủ Thái Lan đã ký hợp đồng với các CLB thuộc những nền bóng chuyền phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Điểm chung của các quốc gia này là có hệ thống giải VĐQG thi đấu liên tục, không dàn trải theo từng giai đoạn. Mức lương dành cho các ngoại binh tại đây cũng tốt hơn so với thu nhập nếu thi đấu tại Việt Nam.
Thời điểm đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan sang Việt Nam dự chặng 1 SEA V.League 2024, nhiều đội bóng đã ngỏ lời tới một số tuyển thủ quốc gia của xứ Chùa vàng về khả năng thi đấu tại giai đoạn 2 giải VĐQG 2024 nhưng đều không thành công.
Kể từ khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho phép các đội bóng sử dụng ngoại binh từ mùa giải 2022, chất lượng chuyên môn của giải đấu phần nào được cải thiện, thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả và giới mộ điệu.
Các cầu thủ khi đến Việt Nam thi đấu cũng bày tỏ tình cảm yêu mến đối với con người và môi trường thi đấu nơi đây. Dẫu vậy, việc giữ chân hay tìm kiếm các ngoại binh sau mỗi giai đoạn thi đấu vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải.