Quảng cáo

Phó chủ tịch VFF chỉ ra phương hướng giúp bóng đá Việt Nam dự World Cup

Hoàng Tùng Hoàng Tùng
Thứ ba, 12/11/2024 11:29 AM (GMT+7)
A A+

Để thực hiện mục tiêu vào top 6 Châu Á vào năm 2030, Phó chủ tịch VFF - ông Trần Anh Tú nêu ra nhiều phương hướng và thẳng thắn nhìn vào vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện tại.

Theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu vào tốp 8 châu Á và đoạt vé dự World Cup. Đội tuyển nữ Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ tốp 6 châu Á và tiếp tục góp mặt tại sân chơi World Cup nữ.

Tuy vậy, tại Hội nghị triển khai chiến lược trên, phó chủ tịch VFF - ông Trần Anh Tú cho rằng bóng đá Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển và nếu còn những vấn đề này thì còn khó trong việc ổn định về thành tích. 

Đầu tiên, bóng đá Việt Nam chưa có sự chỉ đạo đồng bộ trong các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá trẻ, các CLB có cách vận hành khác nhau do các nguyên nhân về con người và trang thiết bị kỹ thuật dẫn tới chưa có sự đảm bảo gắn kết giữa các tuyến, các lớp vận động viên kế cận.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo về tiêu chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất, sân bóng và các cơ sở đào tạo bóng đá trong toàn quốc chưa đồng đều, các học viện bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế có số lượng không nhiều.  

Phó chủ tịch VFF: 'ĐT Việt Nam cần cẩn trọng tại AFF Cup 2024' 542913
Ông Trần Anh Tú chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn đọng của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Ngoài ra, bóng đá Việt Nam vẫn chưa áp dụng rộng rãi hoặc rất ít tiếp cận đến khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, quản lý, huấn luyện bóng đá và xây dựng dữ liệu chuyên môn. 

Việc tổ chức hệ thống thi đấu trẻ đã có thay đổi nhưng còn chưa được như kỳ vọng mặc dù đã có hệ thống thi đấu trải rộng trên nhiều lứa tuổi, các giải đấu được tổ chức nhiều hơn. Việc còn thiếu thi đấu thường xuyên đã tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất định tới quá trình phát triển liên tục của các tài năng trẻ. 

Ông Trần Anh Tú nói thêm: "Chúng ta còn thiếu nhiều chuyên gia bóng đá người Việt Nam hoặc từ nước ngoài tới Việt Nam đạt trình độ quốc tế, đồng thời việc tìm kiếm và phát hiện các tài năng bóng đá có nguồn gốc Việt Nam tại nước ngoài cũng mới được chú ý trong thời gian gần đây.

Nếu còn những tồn tại này, bóng đá chuyên nghiệp và đội tuyển Việt Nam rất khó có sự ổn định về thành tích".

Về kế hoạch thực hiện mục tiêu đề ra, ông Trần Anh Tú cho biết Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ý thức được rõ ràng vai trò trách nhiệm của mình, đồng thời nghiên cứu kỹ nội dung của 9 giải pháp chủ yếu trong Chiến lược, chúng tôi khẳng định quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ được giao, qua đó cũng nêu một số nhiệm vụ cần phối hợp triển khai và một số giải pháp chính để thực hiện ngay gồm 5 nhiệm vụ phối hợp tập trung vào các vấn đề tham mưu, bố trí ngân sách và triển khai một số đề án Bóng đá đào tạo trẻ, quan hệ quốc tế… cùng 8 giải pháp cần tập trung thực hiện trong lĩnh vực Bóng đá.

Đặt mục tiêu bóng đá giành vé tham dự vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045, ngoài giải pháp hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá và phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 - 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023), bởi khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034, nhóm các cầu thủ này thuộc lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao (từ 24 - 28 tuổi).

Quảng cáo
Xem thêm