Giá cố phiếu của hãng xe điện “made in Vietnam” đã tăng mạnh sau khi chính thức ghi tên mình trên thị trường chứng khoán Mỹ, có thời điểm giá trị vốn hóa vượt qua cả những ông lớn như Ford và General Motors.
Vào tối ngày 15/8 (giờ Việt Nam), VinFast đã rung chuông ra mắt trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market, qua đó chính thức trở thành công ty được niêm yết và sẵn sàng giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.
Trong khuôn khổ sự kiện, Bob McCooey, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc thị trường Vốn toàn cầu của Nasdaq, cho biết "vui mừng được chào đón VinFast đến với đại gia đình Nasdaq".
Về phía VinFast, CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết, việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của doanh nghiệp. Không chỉ đơn thuần là việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà đây còn là niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của VinFast.
"Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới", bà nói.
Theo hãng thông tấn Reuters, cổ phiếu của VinFast (VFS.O) đã ghi nhận mức tăng mạnh sau khi “chào sàn” Nasdaq ngày 15/8. Sự kiện này diễn ra sau khi công ty kết thúc thương vụ sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC).
Mở đầu phiên giao dịch, cổ phiếu VFS của VinFast có giá ở mức 22 USD/cổ phiếu, cao hơn gấp đôi so với mức 10 USD/cổ phiếu thỏa thuận trước đó với đối tác SPAC là Black Spade Acquisition. Trước đó, công ty này đã định giá VinFast ở mức 23 tỷ USD.
Thậm chí có thời điểm, cổ phiếu VinFast được giao dịch ở mức 24 USD. Điều đó sẽ định giá hãng xe điện Việt Nam ở mức 55 tỷ đô la, vượt qua mức vốn hóa thị trường 48 tỷ đô la của Ford. Tuy nhiên, theo phân tích của Reuters, khối lượng giao dịch rất khiêm tốn, chỉ 0,07% cổ phiếu được giao dịch trong giờ đầu tiên sau khi niêm yết.
VinFast được thành lập năm 2017, là thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC) với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh, dẫn dắt cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.
Sau 6 năm thành lập, công ty đã phát triển đội xe điện với đầy đủ các dòng xe từ SUV điện (có cả xe cỡ nhỏ và các phân khúc cơ bản A-B-C-D-E) đến dải sản phẩm xe máy điện cùng xe buýt điện.
Người sáng lập VinFast Phạm Nhật Vượng đã cam kết viện trợ 2,5 tỷ đô la cho nhà sản xuất ô tô điện vào tháng 4, bao gồm 1 tỷ đô la từ tài sản cá nhân. Sau khi công ty mẹ và công ty con hợp nhất, ông sở hữu 99% cổ phần trong 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông của thương hiệu này.
Tới nay, VinFast đã xuất khẩu gần 3.000 xe sang Bắc Mỹ nhưng doanh số giai đoạn đầu khá chậm chạp. Tính đến tháng 6, chỉ có 137 xe điện của VinFast được đăng ký tại Mỹ, theo S&P Global Mobility.
Tổng Giám đốc Toàn cầu VinFast cho biết công ty sẽ thay đổi phương thức phân phối dựa trên cách làm của Tesla, dự kiến sẽ hợp tác với các đại lý ở thị trường nước ngoài.
"Chúng tôi đang chuyển sang mô hình hybrid, nơi có phòng trưng bày riêng, đồng thời cũng đang thỏa thuận với các đại lý để mở phòng trưng bày đại lý", bà Thủy nói với Reuters.
Vào ngày 28/7/2023, VinFast cũng đã có bước tiến lớn khi khởi công nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD cho giai đoạn 1 tại tiểu bang Bắc Carolina. Nhà máy có công suất 150.000 xe/năm (giai đoạn 1) và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025.