Quảng cáo

VinFast muốn Indonesia là địa điểm xây nhà máy thứ 3, thúc đẩy mở rộng kinh doanh tại châu Á

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ năm, 14/09/2023 10:30 AM (GMT+7)
A A+

Hãng xe điện VinFast đang có kế hoạch đầu tư tới 1,2 tỷ USD vào Indonesia như một phần trong kế hoạch “đánh chiếm” các thị trường châu Á.

Theo hãng thông tấn Reuters, VinFast đang đặt mục tiêu đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong một kế hoạch dài hạn, theo hồ sơ mới nhất gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).

Trong khoản đầu tư này, 200 triệu USD sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy ở Indonesia, nhắm tới mục tiêu đi vào sản xuất từ năm 2026 với sản lượng từ 30.000 đến 50.000 chiếc mỗi năm. 

vinfast-vf8

Indonesia, quốc gia có 270 triệu dân và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang nỗ lực thu hút các nhà sản xuất xe điện toàn cầu nhờ nguồn cung niken dồi dào, thành phần chính của pin xe điện. Tuy nhiên, lượng xe điện ở đất nước này hiện chỉ chiếm chưa đến 1% số ô tô đang chạy trên đường.

Vì lý do này, hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực ô tô điện như BYD hay Tesla đang xúc tiến việc mở nhà máy tại Indonesia.

Nếu kế hoạch của hãng xe Việt trở thành hiện thực, cơ sở sản xuất ở Indonesia sẽ là nhà máy thứ ba của VinFast bên cạnh cơ sở chính ở thành phố Hải Phòng (Việt Nam) và một nhà máy mới ở Bắc Carolina đang được xây dựng, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

VinFast muốn Indonesia là địa điểm xây nhà máy thứ 3, thúc đẩy mở rộng kinh doanh tại châu Á 326644
Hình ảnh phác họa nhà máy VinFast tại Bắc Carolina (Mỹ)

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, VinFast đã công bố nhiều kế hoạch phát triển xe điện đầy tham vọng ở nhằm tiến tới “đánh chiếm” các thị trường quốc tế.

Nhà sản xuất xe điện cho biết rằng họ có kế hoạch bán xe ở Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh, đồng thời mở rộng sự hiện diện ở châu Âu (hãng xác định được từ 40 đến 50 thị trường tiềm năng).

VinFast đặt mục tiêu thành lập các nhà phân phối của riêng mình và có thể mở các phòng trưng bày tại những quốc gia và khu vực đó.

VinFast muốn Indonesia là địa điểm xây nhà máy thứ 3, thúc đẩy mở rộng kinh doanh tại châu Á 326610

Tháng trước, công ty khởi nghiệp xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Ở thời điểm mới niêm yết, định giá của VinFast đã có lúc đạt hơn 100 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới (xét về giá trị vốn hóa). Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu của công ty cũng chịu nhiều biến động thất thường.

Trong cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN tại Jakarta (Indonesia), giám đốc điều hành VinFast Lê Thị Thu Thủy đã lên tiếng gạt bỏ sự hoài nghi về những biến động không ổn định của giá cổ phiếu VFS, cho biết bà tin tưởng vào tiềm năng của công ty, đặc biệt là khi xem xét đến hệ sinh thái xe điện đang mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á.

VinFast muốn Indonesia là địa điểm xây nhà máy thứ 3, thúc đẩy mở rộng kinh doanh tại châu Á 326612
CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (Indonesia)

Bà Thủy cho rằng hệ sinh thái xe điện đang ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ là “đòn bẩy” cho sự phát triển của VinFast. 

“Chúng tôi chắc chắn có thể khiến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và xuất khẩu xe điện đến những nơi khác trên thế giới”, CEO của hãng xe điện “made in Vietnam” khẳng định.

Theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ, Indonesia chính là nước có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, chiếm 22% trữ lượng toàn cầu. Đây cũng là nhà sản xuất nickel lớn nhất toàn cầu, chiếm đến 39% sản lượng của toàn thế giới, xếp trên các quốc gia như Philippines, Nga hay Úc. 

Hầu hết sản lượng niken của Indonesia hiện là niken loại 2, loại có độ tinh khiết thấp được sử dụng cho thép không gỉ. Đất nước vạn đảo đang quyết tâm chuyển đổi ngành công nghiệp niken của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với niken loại 1, một thành phần quan trọng cho pin xe điện.

Theo đó, niken là thành phần của một số loại pin, chẳng hạn như trong hợp chất NMC (lithium niken mangan coban oxit) được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một số công nghệ pin mới hơn như LFP (lithium iron phosphate) không sử dụng kim loại hiếm này.

Quảng cáo
Xem thêm