Nhật Bản đã có lần đầu tiên mất ngôi vương quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới sau bảy năm nắm giữ danh hiệu, theo Nikkei Asia
Nội dung chính
Trung Quốc chính thức đánh bại Nhật Bản trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô
Vào năm 2023, Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới lần đầu tiên, đánh bại Nhật Bản nhờ vào doanh số bán ra mạnh mẽ của ô tô điện ở các thị trường nước ngoài.
Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, nước này đã xuất khẩu 4,42 triệu xe hơi vào năm 2023, tăng 16% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này không thể sánh bằng cột mốc 4,91 triệu xe ô tô mà Trung Quốc xuất khẩu vào năm ngoái, theo Hiệp hội Các Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (tăng 58%).
Thành tích này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong vòng bảy năm Nhật Bản mất ngôi quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất toàn cầu. Lần cuối cùng mà Nhật Bản thua cuộc là vào năm 2016 trước Đức.
Giải mã thành công của Trung Quốc
Một trong những động lực quan trọng đằng sau việc Trung Quốc xuất khẩu ô tô là thị Nga, một thị trường mà các hãng ô tô Nhật Bản và phương Tây đã rút lui. Một yếu tố quan trọng khác là ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng 80% trong số lượng xe năng lượng mới (NEV - gồm xe điện và xe hybrid cắm sạc) mà Trung Quốc xuất khẩu.
BYD là "đầu tàu" phát triển
“Cánh chim đầu đàn” của sự tăng trưởng này là BYD, thương hiệu đã có lần đầu tiên vượt qua Tesla trong doanh số bán xe điện toàn cầu vào quý 4.
Năm 2022, BYD tuyên bố có khả năng sản xuất 1,25 triệu xe hơi, nhưng thực tế họ đã sản xuất tới hơn 1,8 triệu xe trong năm đó. Vào năm 2023, theo các phương tiện truyền thông địa phương, công ty đã có khả năng sản xuất khoảng 3,5 triệu xe, giúp hãng vượt lên trên Tesla (khả năng sản xuất đạt 2,35 triệu đơn vị trong năm 2023).
BYD đã nhanh chóng mở rộng các nhà máy tại Trung Quốc với sự hợp tác của chính quyền địa phương. Theo các phương tiện truyền thông, giai đoạn đầu của dự án nhà máy ở tỉnh An Huy, thành phố Hợp Phì, chỉ mất 10 tháng từ khi bắt đầu xây dựng đến khi đi vào hoạt động.
BYD dự kiến sẽ mở rộng khả năng sản xuất tại các cơ sở ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông và thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam. HuaAn Securities ước tính khả năng sản xuất của BYD sẽ tăng lên trên 4,5 triệu xe trong năm nay.
Doanh số bán hàng của BYD ở nước ngoài năm ngoái đạt trên 240.000 xe. Sự thành công của BYD tại các thị trường ngoài Trung Quốc được ghi nhận là nhờ giá bán thấp hơn so với các mẫu xe điện từ Tesla và Volkswagen. Tại châu Âu, các sản phẩm ô tô điện của BYD được định giá thấp hơn trung bình từ 20% đến 40%.
BYD, ban đầu là một công ty sản xuất pin, có khả năng sản xuất các thành phần xe điện hoàn toàn độc lập. Cơ cấu này giúp giảm chi phí chế tạo, trong khi quy mô bán hàng rộng lớn giúp hãng thu về lợi nhuận.
Trong quý 3 năm ngoái, BYD đạt lợi nhuận ròng 6,4%, tiệm cận con số 7,9% của Tesla.
Hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc
Bên cạnh đó, hỗ trợ từ chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng sản xuất ô tô của Trung Quốc.
Năm 2009, chính phủ đã đề ra kế hoạch giúp các phương tiện năng lượng mới trở nên phổ biến, với các chương trình khuyến mãi áp dụng cho các loại phương tiện này từ năm 2010 đến năm 2022. Theo truyền thông Trung Quốc, tổng giá trị các khoản khuyến mãi này lên đến khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng).
Các hãng sản xuất cũng bị thúc đẩy để chuyển đổi sang xe điện.Từ năm 2019, chính phủ Trung Quốc nhìn chung đã không phê duyệt các nhà máy lắp ráp mới trừ khi chúng sản xuất xe điện.Năm 2020, các quan chức tại đất nước tỷ dân đã triển khai một hệ thống các quy định cho việc sản xuất và bán phương tiện năng lượng mới.
" Phương pháp và tốc độ của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đối với đầu tư đã gần như tiệm cận với các công ty công nghệ ," chuyên gia tư vấn quản lý tại công ty KPMG FAS, Koichi Iguchi, nói. " Chính phủ đã cung cấp chế độ hậu mãi hấp dẫn để tăng tốc độ phủ, và Trung Quốc thực sự đã ‘tiếp quản’ thị trường ô tô điện toàn cầu chỉ trong vài năm. "
Đóng góp của các thương hiệu nước ngoài
Những thương hiệu nước ngoài cũng là một phần quan trọng trong sự tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Ngay cả khi BYD đạt thành công lớn, Tesla vẫn là nhà xuất khẩu các phương tiện năng lượng mới hàng đầu của Trung Quốc năm 2023 với 340.000 xe, chiếm gần 30% tổng số ô tô xuất khẩu.
Thậm chí, theo Nikkei Asia, để thực hiện mục tiêu của chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng xuất khẩu xe điện, các cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu Tesla hướng đến mục tiêu xuất khẩu một nửa số xe sản xuất tại nhà máy Gigafactory Thượng Hải
Một quan chức chính phủ mong đợi Trung Quốc sẽ bán tổng cộng 12 triệu xe tại nước ngoài vào năm 2030 - với 6 triệu xe được xuất khẩu từ Trung Quốc và 6 triệu được sản xuất ở nước ngoài.
Giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng ô tô trong nước
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nỗ lực mở rộng xuất khẩu cũng nhằm giải quyết một phần vấn đề dư thừa về khả năng sản xuất trong nước. Theo một ước tính, vào năm 2025, Trung Quốc có thể sản xuất hơn 36 triệu xe năng lượng mới. Khoảng 14 triệu đến 16 triệu dự kiến sẽ được bán trong nước vào năm đó, để lại con số thặng dư hơn 20 triệu xe.
Đặc biệt, nhu cầu mua xe suy giảm cũng có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.
Trong khi đó, các quốc gia như Pháp và Ý đang xem xét việc hạn chế các khoản hỗ trợ cho xe điện được sản xuất tại châu Á do lo ngại có quá nhiều xe giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.