Nghiên cứu mới cho thấy nhiều nhà sản xuất ô tô đang thu thập dữ liệu của người tiêu dùng rồi bán chúng cho các công ty bảo hiểm, theo The New York Times.
Theo tờ The New York Times, hiện nay, ô tô không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn biểu tượng của sự cá nhân hóa và kết nối, giống như vai trò của một chiếc điện thoại thông minh với chủ nhân của mình.
Gần đây, tờ báo này đã công bố một báo cáo đáng chú ý về vấn đề bảo mật, cho thấy dữ liệu lái xe cá nhân bị thu thập một cách nghiêm trọng mà không được sự đồng ý của chủ xe.
Các nhà sản xuất ô tô, theo điều tra, đã không ngần ngại thu thập dữ liệu từ các ứng dụng cài đặt trên xe và chia sẻ chúng với các công ty bảo hiểm, bất kể có sự đồng ý của chủ xe hay không. Điều này được thực hiện dưới danh nghĩa nâng cao khả năng lái xe an toàn (thông qua việc chấm điểm hành vi lái).
Đây được xem là một cách để hợp thức hóa việc ghi lại chi tiết tất cả thông tin về cách tài xế điều khiển xe.
The New York Times cụ thể chỉ ra General Motor (GM) là một trong những công ty đã tham gia vào việc bán dữ liệu này cho các công ty môi giới dữ liệu, sau đó được chuyển tiếp tới các công ty bảo hiểm, mang lại một nguồn doanh thu không nhỏ cho GM.
Mới đây, một chủ xe Cadillac giấu tên ở Florida đã bị từ chối dịch vụ bởi tới 7 công ty bảo hiểm ô tô, sau khi họ tìm ra dữ liệu về việc lái xe phanh gấp, tăng tốc đột ngột và vi phạm tốc độ. Đáng chú ý, chủ nhân này không hề biết tới ứng dụng có tên On Star Smart Driver (ứng dụng ghi lại thông tin lái xe của GM) hay đã từng cài đặt nó.
Trước những thông tin này, GM thừa nhận họ đã chia sẻ dữ liệu một cách "có chọn lọc" như thời điểm phanh, tăng tốc, và số lần tốc độ vượt quá 128km/h. Tuy nhiên công ty cho biết họ chỉ làm điều này sau khi đã nhận được sự đồng ý từ khách hàng qua việc ký kết thỏa thuận.
Ngoài GM, các nhà sản xuất khác như Kia, Mitsubishi, Hyundai, Honda và Acura cũng được cho là đã tham gia vào việc thu thập và chia sẻ dữ liệu lái xe, mặc dù tất cả đều khẳng định rằng đã nhận được sự đồng ý từ chủ xe.
Tuy nhiên, điều khoản đồng ý này thường bị "giấu" kín trong các hợp đồng phức tạp, khiến nhiều người không nhận thức được mình đã đồng ý với điều gì.
Tình trạng này đã dẫn đến một làn sóng phản đối, với việc Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Markey kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra vấn đề ngay lập tức. Ông nhấn mạnh rằng, chủ xe cần phải được biết liệu họ có đang bị theo dõi hay không và cần xác định lợi ích mà các hãng xe thu được từ những hành động này.
Trong cuộc khảo sát của Pew Research năm 2020, 52% người Mỹ cho biết họ đã chọn không sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ vì lo lắng về lượng thông tin cá nhân mà sản phẩm hoặc dịch vụ đó sẽ thu thập về họ.