Thị trường ô tô tại đất nước tỷ dân đón nhận sự suy giảm khi chính phủ nước này dừng các gói hỗ trợ, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu phải đối mặt với doanh số bán hàng bị đình trệ.
Nội dung chính
Thị trường ảm đạm
Trong tháng 3/2023, theo số liệu từ Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc, doanh số xe du lịch mới như sedan, SUV, crossover và xe đa dụng tại Trung Quốc đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái với con số tiêu thụ chỉ còn 1,02 triệu chiếc.
Tính tới hết quý I, doanh số bán lẻ ô tô mới tại Trung Quốc giảm tới 15%, xuống còn khoảng 3,7 triệu chiếc. Điều này đi ngược lại với xu hướng mua sắm mọi năm, đó la nhu cầu sẽ tăng lên khi đến dịp Tết Nguyên Đán.
Nguyên nhân một phần của vấn đề này là việc chính phủ Trung Quốc loại bỏ dần các chương trình ưu đãi kéo dài suốt thập kỉ qua đối với xe điện cũng như chấm dứt việc trợ giá và giảm thuế đối với sản phẩm ô tô sau dịch Covid-19.
Đây cũng là sự lựa chọn bắt buộc, khi tình hình kinh tế đã ổn định sau đại dịch, nhà nước buộc phải cắt giảm các hỗ trợ, từ đó giúp các nhà sản xuất khôi phục hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trang Autonews nhận định, điều này có thể gây ra các tác động tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng xét về lâu dài, thị trường ô tô Trung Quốc sẽ không quá khó khăn và mất nhiều thời gian để thích nghi với những sự thay đổi mới này.
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài gặp khó, “quay xe” sang thị trường Ấn Độ
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, một số nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang phải vật lộn với những rắc rối ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi doanh số bán ô tô chở khách đạt mức 23,6 triệu xe vào năm ngoái.
Sự gia tăng của xe điện là yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi trật tự phân hạng ô tô ở Trung Quốc. Có thể nói, nhiều nhà sản xuất ô tô lâu đời đã đánh giá sai tốc độ thị trường Trung Quốc chuyển sang xe điện.
Các nhà sản xuất ô tô quốc tế chỉ chiếm 8% thị trường xe plug-in của Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm ngoái và nhiều sản phẩm xe điện của họ không cạnh tranh được với các sản phẩm quốc nội về giá cả, phạm vi và tính năng.
Các nhà sản xuất ô tô quốc tế đã chứng kiến thị phần của họ giảm từ 61% vào năm 2020 xuống còn 41% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Sẽ có một sự phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay, khi các nhà sản xuất này dọn sạch hàng tồn kho cũ, nhưng Bloomberg dự đoán thị phần chung của họ trong năm nay sẽ ở mức dưới 50%.
Bên cạnh quá trình điện khí hóa, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới doanh số bán xe.
Các dịch vụ kết nối và phần mềm trong xe thường mạnh hơn khi chúng đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng áp dụng các công nghệ mới nhanh hơn so với những người mua xe mới ở các thị trường phương Tây, nơi người mua trung bình nghiêng về những người lớn tuổi hơn.
Giám đốc điều hành của Volkswagen, Arno Antlitz, nói ông muốn thương hiệu này giữ vị trí của mình tại các thị trường cốt lõi là châu Âu và Trung Quốc, nhưng có thể cần phải có một số biện pháp phòng ngừa rủi ro. Ông Antlitz cho hay đã nhìn thấy những cơ hội tăng trưởng to lớn ở Ấn Độ.
Sau khi doanh số bán xe chở khách tăng 24% vào năm ngoái, Ấn Độ ngang bằng với Nhật Bản với tư cách là quốc gia đứng thứ 3 về doanh số bán xe sau Trung Quốc và Mỹ.
Đến năm 2030, công ty tư vấn quản lý Arthur D. Little dự kiến doanh số bán xe ở Ấn Độ lên tới 7,5 triệu chiếc, tăng gần gấp đôi so với 3,8 triệu chiếc của năm ngoái.
Akshay Prasad, một chuyên gia phân tích cho biết: “Ngày nay, một thế hệ người tiêu dùng trung lưu mới ở Ấn Độ đang nổi lên đang mua những chiếc SUV và crossover lớn hơn, đồng thời tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến xe điện”
Dữ liệu từ công ty xếp hạng Crisil cho thấy xe đa dụng chiếm hơn 40% tổng doanh số bán xe chở khách ở Ấn Độ, tăng so với mức chưa đầy 1/3 của 5 năm trước đó.
Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, các lô hàng ô tô chở khách chạy bằng điện đã tăng khoảng ba lần vào năm ngoái so với năm trước lên 41.000 chiếc.
Đây thực sự là một thị trường tỉ dân đầy tiềm năng đối với các nhà sản xuất ô tô, khi mà nhu cầu di chuyển và mức thu nhập đang ngày một tăng.