Mùa mưa bão luôn là nỗi ám ảnh với nhiều tài xế ô tô, vì vậy nên họ cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây nhằm đảm bảo an toàn cũng như xử lý trong tình huống xe gặp sự cố.
Hôm nay (18/7), cơn bão mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây tại Việt Nam mang tên Talim sẽ đổ bộ, dự báo gây mưa to đến rất to cho các khu vực phía Bắc.
Xe lưu thông trên đường trong điều kiện thời tiết như vậy thường gặp phải mặt đường trơn trượt, ngập nước và tầm nhìn bị hạn chế nên cực kỳ nguy hiểm đối với cả người mới lẫn những "tay lái" lão luyện. Chính vì vậy, các tài xế cần lưu ý một số điều sau nhằm tránh những rủi ro không đáng có khi tham gia giao thông.
Hạn chế đi nhanh trong mưa bão
Nếu tài xế lái xe nhanh khi đường ngập nước, rãnh lốp có thể không thoát nước đủ nhanh và bị tách khỏi mặt đường. Trong trường hợp này, lốp trượt trên mặt nước, mất độ bám và khiến bánh xe bị trượt. Hiện tượng này có tên gọi là hydro planning, dễ xảy ra khi phanh gấp hoặc tăng tốc bất chợt trên các vũng nước ngập. Trong trường hợp xấu nhất, chiếc xe hoàn toàn mất kiểm soát và trượt đi…
Việc chạy chậm sẽ giúp độ bám đường của xe tốt hơn, giảm tải cho hệ thống phanh và giúp người lái xe dễ phát hiện các chướng ngại như nắp cống hay nắp hố ga.
Đồng thời, người lái nên giữ đều ga, tránh tình trạng tăng ga đột ngột. Bởi khi tăng ga mạnh sẽ tạo ra quán tính lớn làm nước tràn lên lưới tản nhiệt và đi vào ống hút gió, gây chết động cơ.
Không đi song song với xe khác
Khi di chuyển vào mùa mưa, bão, nước mưa thường bị các tài xế lái xe song song tạt vào kính chắn gió, có thể gây nguy hiểm.
Trong trường hợp trời mưa hoặc đường ngập nước, tầm nhìn của người lái xe bị hạn chế bởi mưa và bụi phản chiếu ánh sáng, gây khó khăn cho việc nhìn thấy các phương tiện khác ở bên cạnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi lái xe song song với các phương tiện khác.
Vì những lý do trên, người lái xe nên tránh lái xe bên cạnh các phương tiện khác trong thời tiết mưa bão. Để tránh làm văng hoặc bắn nước lên các xe khác, tài xế chỉ nên vượt và cho phép vượt ở những nơi thoáng đãng, ít vũng nước. Ngoài ra, cần chú trọng giữ khoảng cách an toàn và tuân thủ luật giao thông.
Quan sát, tránh những điểm ngập
Khi gặp khu vực ngập nước, trước tiên cần đo mực nước để xác định xem phương tiện có đủ khả năng vượt hay không. Độ sâu của nước từ 20 cm trở xuống, hoặc đến mép dưới của cửa là an toàn cho người lái xe. Nếu còn không chắc chắn, đừng cố gắng thử lái xe qua.
Nếu xác định cần vượt qua vùng ngập nước, người lái xe nên cẩn thận không nhấn mạnh bàn đạp ga mà hãy nhấn đều ở số thấp. Điều này là do khi lái xe nhanh qua khu vực ngập nước, nước có thể tràn qua khu vực lưới tản nhiệt và đi vào cửa hút gió.
Ngoài ra, tài xế cũng cần đi chậm để dễ dàng phát hiện chướng ngại vật trên đường như miệng cống, nắp cống.
Với xe số sàn, người lái phải chuyển từ số 1 sang số 2. Nếu là xe số tự động hoặc bán tự động thì phải chuyển sang chế độ số D1 hoặc về số tay trước khi tiến hành đi ở số 1-2.
Bật đèn sương mù và đèn pha gần
Bật đèn sương mù và đèn pha khi lái xe trong thời tiết mưa bão có nhiều lợi ích quan trọng.
Trong điều kiện này, chắc chắn tầm nhìn của người lái bị giảm đi rất nhiều. Vì vậy, bật đèn sương mù và đèn pha giúp cải thiện tầm nhìn của người lái. Đèn sương mù và đèn pha gần giúp bạn nhìn rõ các chướng ngại vật cũng như các phương tiện khác trên đường, đồng thời tăng khả năng các xe khác nhìn thấy xe của bạn, giúp giảm nguy cơ tai nạn.
Ngoài ra, việc bật đèn sương mù và đèn pha gần giúp lái xe nhận biết sớm được các tình huống nguy hiểm và phản ứng kịp thời.
Sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý
Người lái cần đảm bảo không có sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa không khí trong xe với môi trường bên ngoài, làm ảnh hưởng tới độ ẩm. Nguyên nhân của điều này đó là chênh độ ẩm có thể khiến hơi nước hình thành trên kính xe, khiến người lái khó quan sát.
Ngoài ra, nếu chênh lệch nhiệt độ lớn sẽ tạo ra chênh lệch áp suất không khí giữa bên trong và bên ngoài xe. Điều này cho phép không khí bên ngoài (bao gồm cả nước) đi vào khoang hành khách thông qua hệ thống điều hòa và có thể làm hỏng các thiết bị điện tử, gây nguy hiểm cho hệ thống điện của xe.
Tài xế lái xe trong thời tiết mưa bão nên dựa vào nhiệt độ bên ngoài để điều chỉnh điều hòa cho phù hợp.
Mang theo thiết bị liên lạc và lưu số cứu hộ giao thông
Thiết bị liên lạc như điện thoại di động là công cụ rất cần thiết trong những tình huống xe gặp sự cố , vì vậy tài xế cần nhớ mang theo thiết bị này khi di chuyển trong mùa mưa bão, đồng thời lưu ít nhất một số điện thoại khẩn cấp. Ngoài ra, cũng phải nắm vững các thông tin, đặc điểm của phương tiện để đội cứu hộ có thể tìm kiếm nhanh chóng.
Khi trời mưa quá lớn, người lái nên dừng xe và cố tìm kiếm những khu vực cao, thoáng để đỗ xe, lưu ý tránh đỗ gần những gốc cây.
Khi xe chết máy, tài xế nên chuyển cần số về vị trí N (hoặc 0) đồng thời gọi trợ giúp càng sớm càng tốt. Ngoài ra, trong lúc chờ đợi, họ cũng có thể mở nắp capo và tháo cọc của bình ắc quy để tránh trường hợp xe bị rò điện. Ngoài ra, người lái không nên cố gắng nổ máy xe vì điều này có thể gây hư hỏng nặng cho xe (hiện tượng thủy kích).