Quảng cáo

Sự khác biệt giữa VinFast và BYD trong chiến lược phát triển trạm sạc tại Việt Nam

Thứ năm, 18/07/2024 19:21 PM (GMT+7)
A A+

Trong khi VinFast lựa chọn phủ sóng trạm sạc rộng rãi trên khắp toàn quốc, BYD hướng tới phương án hợp tác với đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba, cũng như cung cấp sạc tại nhà.

Tại Việt Nam, Vingroup là tập đoàn tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh. Trong đó, VinFast, ngoài việc phát triển dải sản phẩm xe thuần điện gồm ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện, còn sở hữu hệ thống trạm sạc tiên tiến, quy mô lớn với hơn 150.000 trụ sạc. Trong đó, đa số trụ sạc được bố trí tại các trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, khu đô thị Vinhomes và các điểm sạc công cộng trong thành phố...

Sự khác biệt giữa VinFast và BYD trong chiến lược phát triển trạm sạc tại Việt Nam 500038

Theo những cập nhật mới nhất từ VinFast, hiện tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có trạm sạc cho xe máy, ô tô điện. Chủ xe có thể dễ dàng tìm được trạm sạc điện trên 125 tuyến quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ. Khoảng cách trung bình khoảng 3,5 km đối với trạm sạc ở nội đô, 65 km với trạm sạc trên đường quốc lộ và cao tốc.

Không chỉ phát triển về độ phủ hạ tầng trạm sạc, hiện tại VinFast có nhiều lựa chọn sạc pin rất đa dạng. Mới đây, hãng xe Việt thí điểm loạt trụ sạc mới có tổng công suất 360 kW, có thiết kế mỏng, gọn và đậm chất công nghệ hơn. So với loại trụ sạc siêu nhanh hiện tại chỉ có 1 súng, chỉ có thể sạc 1 xe, loại trụ siêu nhanh mới có thể phục vụ nhiều xe một lúc.

Bên cạnh đó, tuỳ theo số lượng xe và khả năng tiếp nhận nguồn sạc, trụ này sẽ chủ động chia tỷ lệ công suất đầu ra hợp lý. Như vậy, thời gian sạc luôn được tối ưu, tăng trải nghiệm cho người dùng xe điện.

Sự khác biệt giữa VinFast và BYD trong chiến lược phát triển trạm sạc tại Việt Nam 500039

Ngoài loại trụ sạc siêu nhanh công nghệ mới đang thí điểm, hệ thống cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố đã có rất nhiều trụ sạc siêu nhanh từ 180 kW đến 250 kW, giúp việc di chuyển liên tỉnh hay di chuyển ngắn trở nên dễ dàng hơn. 

Đặc biệt, hạ tầng xe điện tại Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng hoàn thiện khi mới đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN. Theo đó, trong vòng 2 năm tới, V-GREEN sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống trạm sạc VinFast đang có.

Trái ngược với hướng đi của VinFast, BYD cho biết hãng không có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc riêng. Đây là chiến lược của cả tập đoàn được thực hiện thống nhất trên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề tại thị trường Việt Nam, BYD đã triển khai một số giải pháp. Chẳng hạn, BYD tặng kèm bộ sạc 7kW tại nhà và hỗ trợ lắp đặt miễn phí cho khách hàng, nhắm đến nhóm khách hàng có nhà riêng và chỗ để xe tại nhà.

Sự khác biệt giữa VinFast và BYD trong chiến lược phát triển trạm sạc tại Việt Nam 500040

Theo ước tính, khi sạc qua đêm, xe BYD có thể đi được khoảng 400-500 km. Nếu di chuyển trong tỉnh hoặc thành phố với quãng đường 100 km mỗi ngày, người dùng chỉ cần sạc lại xe sau 4-5 ngày.

Cụ thể, với bộ sạc trên, để đầy khối pin trên xe điện BYD Dolphin sẽ mất khoảng từ 7 tiếng tới 8 tiếng.Trong khi đó, để sạc xe điện Atto 3 sẽ mất 7 tiếng tới 8 tiếng cho phiên bản Dynamic và 9 tiếng tới 10 tiếng cho phiên bản Premium.

BYD Seal sẽ tốn thời gian từ 9 tiếng tới 10 tiếng để sạc phiên bản Advanced và 12 tiếng tới 13 tiếng khi sạc cho phiên bản Performance.

Với những khách hàng có nhu cầu di chuyển xa hơn hoặc đi liên tỉnh, họ có thể sạc xe tại hệ thống đại lý của BYD trên toàn quốc. Hiện tại, BYD đã có 20 đại lý đang được xây dựng và đang đàm phán với 20 nhà đầu tư khác. Tất cả các đại lý đều được trang bị trạm sạc, tạo nên mạng lưới trạm sạc riêng của hãng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, BYD cũng đang hợp tác với các đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba để mở rộng hạ tầng sạc và cung cấp mức giá sạc ưu đãi cho khách hàng.

Sự khác biệt giữa VinFast và BYD trong chiến lược phát triển trạm sạc tại Việt Nam 500041

Thương hiệu Trung Quốc tin rằng những giải pháp này sẽ đáp ứng nhu cầu sạc xe của phần lớn khách hàng trong giai đoạn đầu khi hãng gia nhập thị trường Việt Nam.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã tham gia đầu tư và phát triển trạm sạc bên thứ ba cho xe điện tại Việt Nam, nhưng tốc độ và quy mô mở rộng vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân của điều này là do các doanh nghiệp trạm sạc đang chờ thị trường ô tô điện phát triển đủ lớn và các chính sách, quy định rõ ràng hơn trước khi tích cực đầu tư. Trong khi đó, nhiều hãng xe lại chờ hạ tầng trạm sạc phát triển đầy đủ trước khi đẩy nhanh tiến độ ra mắt sản phẩm của mình.

Author Thethao247.vn Quốc Bình / Theo hoinhap.vanhoavaphattrien.vn - Copy
Quảng cáo
Xem thêm