Trung Quốc - Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cần lựa chọn giữa tập trung vào phát triển công nghệ hoặc tham gia “cuộc chiến giá cả”.
Các hãng sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) sẽ thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng dự kiến vượt quá 30% trong năm nay.
Tuy nhiên, họ sẽ phải suy nghĩ xa hơn về chiến lược trong tương lai vì cuộc chiến giá cả đang diễn ra là “không bền vững trong dài hạn”, theo các nhà phân tích của Fitch - cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới.
Họ cho biết thêm, chi phí pin thấp hơn có thể đẩy giá NEV ở Trung Quốc xuống trong nửa cuối năm, từ đó đẩy nhanh quá trình thay thế các phương tiện động cơ đốt trong truyền thống.
“Tỷ lệ thâm nhập thị trường của NEV ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 35% trong năm nay và 50% vào khoảng năm 2025,” Yang Jing, giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp của Fitch châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
“Thông thường, người mua ô tô tại Trung Quốc thường ít cân nhắc xem chiếc ô tô đó chạy bằng điện hay xăng, mà thay vào đó, họ xem xét các chức năng của ô tô và trải nghiệm người dùng để biết mức giá mà họ có thể chi trả”, bà nói thêm.
Đáng chú ý, từ năm 2021 đến năm 2022, tỷ lệ xe năng lượng mới tham gia thị trường đã tăng mạnh từ 15% đến 28%.
Thị trường ô tô Trung Quốc đã chứng kiến một cuộc chiến giá cả gay gắt kể từ tháng 10 năm ngoái, khi Tesla giảm giá các mẫu xe Model 3 và Model Y sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải.
Không chỉ vậy, nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ đã tiếp tục triển khai một đợt ưu đãi khác vào đầu tháng 1 năm nay. Điều này dẫn đến việc một loạt các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từ BYD, SAIC đến Xpeng phải chạy đua khuyến mãi trong bối cảnh mà lượng hàng tồn kho còn rất nhiều.
Yang chia sẻ việc giảm giá gần đây được tạo nên bởi sự không phù hợp giữa cung và cầu. Bà nói rằng điều đó là "không bền vững trong dài hạn". Các công ty mở rộng sản xuất, làm tăng nguồn cung trong khi người mua chờ đợi đợt giảm giá sâu hơn dẫn đến suy giảm về nhu cầu.
Chen Li, giám đốc xếp hạng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương của Fitch, cho biết cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô cũng đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất pin, một bộ phận chiếm tới 40% chi phí của NEV.
“Họ đang phải đối mặt với áp lực về giá cả và chi phí, đây sẽ là thách thức lớn trong năm nay đối với chuỗi cung ứng,” Chen nói.
Có thể nói, cuộc chiến giá cả chỉ là một chiến lược ngắn hạn để các nhà sản xuất ô tô giảm lượng hàng tồn kho và cạnh tranh thị phần.
Thực tế, NEV của Trung Quốc đang có lợi thế về giá ở thị trường nước ngoài.
Theo số liệu của Fitch, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ô tô nước này tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở châu Âu, 16% số NEV bán ra năm ngoái được sản xuất tại Trung Quốc.
“Xe NEV kinh tế của Trung Quốc sẽ có cơ hội rất tốt ở những thị trường mới nổi, vì các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm tầm thấp và tầm trung trong thời gian ngắn”, bà Yang nói.
Chuyên gia tại Fitch Ratings cho biết: “Về lâu dài, sự cạnh tranh trong lĩnh vực NEV sẽ đến từ các yếu tố như trí tuệ phương tiện, mở rộng mạng lưới bán hàng và dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng, tất cả đều đòi hỏi nguồn tài chính dài hạn. Chỉ những công ty có lợi nhuận ổn định và tình hình tài chính vững mạnh mới có thể duy trì tính cạnh tranh.”
Nhìn chung, để có thể bán được, ô tô sẽ cần phải mang lại giá trị tốt hơn chứ không thể chỉ tập trung vào giảm giá. Mặc dù NEV vượt trội so với ô tô truyền thống về sự thoải mái và chức năng nhưng các chuyên gia cho biết nhiều công nghệ quan trọng như sạc nhanh và hệ thống lái tự động cấp cao hơn vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi do hạn chế về vốn và quy định pháp luật.