Nhật Bản - Một lỗi do con người đã khiến cho dữ liệu lưu trữ đám mây được công khai thay vì để ở chế độ riêng tư.
Toyota Motor Corp mới đây đã công bố rằng dữ liệu xe của 2,15 triệu người dùng ở Nhật Bản, chiếm phần lớn cơ sở dữ liệu khách hàng đã đăng ký trên dịch vụ đám mây của hãng kể từ năm 2012, đã vô tình được công khai trong khoảng một thập kỷ.
Đại diện Toyota nhấn mạnh, sự việc xảy ra từ tháng 11/2013 và kéo dài đến giữa tháng 4 năm nay. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở sai lầm của con người, dẫn đến việc cài đặt sai dữ liệu lưu trữ đám mây là ở dạng công khai thay vì riêng tư.
Dữ liệu được đề cập có thể bao gồm các chi tiết cụ thể về phương tiện như vị trí của ô tô, số khung-số máy , nhưng không bao gồm bất kỳ thông tin nào liên quan đến lỗi hay hỏng hóc của xe.
Khi phát hiện sự cố, Toyota thừa nhận đã nhanh chóng triển khai các biện pháp vô hiệu hóa khả năng truy cập dữ liệu từ bên ngoài. Hơn nữa, một cuộc điều tra về tất cả các nền tảng đám mây thuộc phạm vi quản lý của công ty Toyota Connected Corp đã được thực hiện.
Hơn nữa, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đã tuyên bố ý định triển khai hệ thống dựa trên đám mây để xem xét cài đặt, thiết lập hệ thống giám sát cài đặt liên tục và quản lý đào tạo toàn diện cho nhân viên về các quy định liên quan đến xử lý dữ liệu.
Trong số các khách hàng bị ảnh hưởng, có những người đã đăng ký ứng dụng T-Connect cho phép tiếp cận nhiều dịch vụ, bao gồm hỗ trợ trình điều khiển bằng giọng nói AI, tự động kết nối cuộc gọi tới các trung tâm quản lý xe và hỗ trợ khẩn cấp trong những trường hợp như tai nạn giao thông hoặc người lái xe đột ngột gặp vấn đề về sức khỏe.
Sự cố này cũng ảnh hưởng đến các khách hàng sử dụng dòng xe hạng sang Lexus của hãng cài đặt ứng dụng G-Link có các tính năng tương tự.
Đại diện của Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân tại Nhật Bản tuyên bố rằng tổ chức này đã được thông báo về vụ việc. Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào liên quan.
Sự cố xảy ra trong bối cảnh Toyota đang tích cực nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng kết nối phương tiện với quản lý cơ sở dữ liệu dựa trên điện toán đám mây. Hãng xe lớn nhất thế giới coi đây là khía cạnh then chốt trong việc phát triển công nghệ tự hành và các tính năng có sự hỗ trợ của AI.
Đây không phải là vụ bê bối duy nhất ảnh hưởng đến Toyota trong thời gian gần đây. Vào cuối tháng 4, Daihatsu, công ty thuộc sở hữu của Toyota thừa nhận đã gian lận kết quả trong các thử nghiệm an toàn va chạm đối với hơn 88.000 xe.
Sau khi phát hiện vụ gian lận, Toyota tuyên bố ngừng phân phối Yaris Ativ tại Thái Lan nhưng không tiến hành triệu hồi những chiếc đã bán vì hãng cho rằng những mẫu xe đó “đủ an toàn”.