Hai đứa trẻ đứng thò người qua cửa nóc ô tô hôm 3/2 tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua Xuân Lộc (Đồng Nai).
Nội dung chính
Ngang nhiên để trẻ em chui qua cửa sổ trời trên cao tốc
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một tài xế để hai đứa trẻ chui gần như cả người qua khu vực cửa sổ trời của ô tô khi đang di chuyển khiến nhiều người bức xúc.
Đáng nói, đoạn video được ghi lại trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua Xuân Lộc (Đồng Nai). Đây là đoạn đường cho phép người lái điều khiển xe với tốc độ tối đa lên tới 120 km/h.
Vì sao không nên thò đầu ra khỏi cửa sổ trời khi xe đang di chuyển?
Cửa sổ trời ngày nay không còn là một tính năng độc quyền của các dòng xe cao cấp và đã trở nên phổ biến hơn trên các ô tô phổ thông và thậm chí trong các phân khúc giá rẻ.
Tính năng này không chỉ làm cho chiếc xe trở nên sang trọng hơn mà còn tạo sự sáng sủa cho không gian bên trong và cung cấp khả năng lưu thông không khí trong xe. Ngoài ra, cửa sổ trời còn có vai trò là lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp khi cửa ra vào bị kẹt.
Tuy nhiên, nó không bao giờ được thiết kế để sử dụng như một nơi để người đi xe "đứng hóng mát". Điều này rất nguy hiểm với cả người lớn và trẻ em.
Đối với tình huống như trong video, việc tăng ga hoặc phanh gấp có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị ngã về phía trước hoặc phía sau. Trẻ em ngồi trên nóc xe có thể rơi khỏi xe, trong khi trẻ em đứng có thể va vào nóc xe và gây thương tích cho mặt, đầu và cổ.
Đặc biệt, trên một đoạn đường cao tốc với tốc độ cho phép lên tới 120 km/h, đây chắc chắn không phải một hành vi an toàn, thậm chí có thể coi là đang “đùa giỡn” với tính mạng và sức khỏe của bản thân và con em mình.
Để trẻ em thò đầu khỏi cửa sổ trời sẽ bị xử lý như thế nào?
Khoản 5 Điều 4 Luật giao thông đường bộ về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ có quy định:
"Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Hiện tại tại Việt Nam, pháp luật chưa có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi này, và tài xế chỉ có thể bị phạt về việc chở người không cài dây an toàn. Tuy nhiên, chủ xe vẫn có thể vi phạm vào một số điều khoản khác của Luật giao thông đường bộ:
- Vi phạm Khoản b Điều 68, Luật giao thông đường bộ về việc Vận tải hành khách bằng xe ô tô: Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
- Vi phạm Khoản 23 Điều 8 về an toàn giao thông trong Luật giao thông đường bộ: Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Về mức phạt cho những hành vi nói trên, Điều 23, Nghị định 46/2016/NĐ- CP về giao thông đường bộ nêu rõ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không hướng dẫn hành khách đứng, nằm, ngồi đúng vị trí quy định trong xe;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe. Tài xế cũng có mức phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.