Toyota đang đối mặt với những khó khăn do các sai phạm trong các thử nghiệm an toàn, đặt các nhà lãnh đạo của Toyoda vào một thời kỳ “sóng gió”.
Nội dung chính
Chủ tịch Toyota vấp phải làn sóng phản đối từ nhà đầu tư
Theo tờ Nikkei Asia, Toyota Motor sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông thường niên vào tuần tới, nhưng một số công ty tư vấn đầu tư đang phản đối việc tái cử Chủ tịch Akio Toyoda vào hội đồng quản trị.
Cụ thể, Toyota sẽ tổ chức cuộc họp thường niên vào ngày 18 tháng 6 tại trụ sở chính ở tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản. Công ty đã đệ trình đề xuất tái cử tất cả 10 giám đốc, bao gồm Toyoda, thành viên của gia đình sáng lập công ty.
Theo thông báo triệu tập cuộc họp thường niên, lý do chọn Toyoda làm ứng cử viên cho vị trí giám đốc là vì ông đã củng cố khả năng cạnh tranh của công ty và xây dựng cấu trúc lợi nhuận hiện tại, đồng thời thúc đẩy việc xem xét lại vấn đề quản trị và chuyển đổi doanh nghiệp hướng tới một công ty di động.
Tuy nhiên, công ty tư vấn đại diện quyền lợi cổ đông của Mỹ, Institutional Shareholder Services (ISS), đã khuyến nghị các nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại việc tái cử Toyoda.
"Với tư cách là một lãnh đạo lâu năm, Toyoda nên được coi là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho hàng loạt sai phạm trong quá trình chứng nhận của tập đoàn Toyota Motor," báo cáo của ISS cho biết.
Thông tin về vụ gian lận thử nghiệm an toàn của Toyota
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã thông báo đầu tháng này rằng Toyota và bốn nhà sản xuất khác đã thừa nhận có sai phạm trong các thử nghiệm an toàn.
Toyota đã ngừng giao hàng và bán các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại Nhật Bản do các đơn xin chứng nhận của các mẫu xe này sử dụng "dữ liệu không đầy đủ trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và hành khách," theo công ty.
Sau khi phát hiện ra các sai phạm này, bộ đã tiến hành kiểm tra trụ sở chính của Toyota để đánh giá các quy trình và bối cảnh của sai phạm thông qua các buổi điều trần và phân tích tài liệu.
Vụ bê bối xảy ra sau khi Nhật Bản phát hiện các hành vi sai trái tại ba công ty con của Toyota: nhà sản xuất xe tải Hino Motors, đơn vị sản xuất xe nhỏ Daihatsu Motor, và Toyota Industries.
Báo cáo của ISS cho biết: "Xét từ các thành viên hội đồng được đề cử, cũng như các biện pháp đối phó được công ty công bố, trái ngược với tuyên bố của công ty về việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp, xu hướng giữ nguyên văn hóa doanh nghiệp của công ty thực tế đã bị nghi ngờ, và Toyoda nên chịu trách nhiệm về điều đó."
Báo cáo kết luận rằng cấu trúc hội đồng quản trị của công ty đang cho thấy mức độ rủi ro cao.
Một công ty tư vấn đại diện quyền lợi cổ đông khác, Glass Lewis, cũng phản đối việc tái cử Toyoda, chỉ ra trách nhiệm của ông đối với các vụ bê bối.
Báo cáo của họ cho biết: "Chúng tôi tin rằng ông Toyoda chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo duy trì các quy trình kiểm soát nội bộ phù hợp và không thực hiện các biện pháp quản trị thích hợp tại các công ty thành viên. Việc xảy ra nhiều vấn đề trên diện rộng trong Tập đoàn Toyota càng làm dấy lên câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp đã phát triển dưới sự lãnh đạo của ông Toyoda."
Năm ngoái, Glass Lewis đã khuyến nghị các cổ đông ngăn chặn việc tái cử Toyoda làm giám đốc, do thiếu hụt sự quản trị với công ty, nhưng đề xuất này đã bị từ chối.
Vào tháng 1, Toyoda cho biết ông sẽ dẫn dắt các thay đổi về văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn và hy vọng tạo ra một môi trường nơi các thành viên (các công ty thuộc Tập đoàn Toyota) có thể trao đổi và hợp tác toàn diện, không phân biệt vị trí trên hay dưới.
Trong cuộc họp báo vào ngày 3 tháng 6, chủ tịch đã nhắc lại rằng ông sẽ cải thiện quy trình nội bộ liên quan đến các thử nghiệm nhưng cũng cho rằng các yêu cầu thử nghiệm quá phức tạp.
"Một số thành viên kỳ cựu có thể nhận ra bất thường trong kiểm nghiệm, nhưng nếu là người mới, do không có quy tắc rõ ràng, thì rất khó để nhận ra vấn đề," ông nói.
Toyoda đề nghị rằng việc cập nhật các quy trình thử nghiệm cũng nên được thảo luận bởi ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và Bộ Giao thông.
Điều gì dẫn đến vụ gian lận thử nghiệm an toàn rúng động Nhật Bản?
Các sai phạm không chỉ được tìm thấy tại Toyota mà còn tại các nhà sản xuất ô tô Honda, Mazda và Suzuki, cũng như nhà sản xuất xe máy Yamaha. Tất cả đều đã trải qua cuộc thanh tra cuar Bộ Giao thông.
Atsushi Osanai, một giáo sư tại trường Đại học Waseda, cho biết: "Tôi tin rằng đây là kết quả của sự tự tin thái quá và ngây thơ đến từ các hãng xe trong việc nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì khi đi lệch khỏi các quy tắc hiện có một chút."
Ông đưa ra ví dụ về các nhà sản xuất ô tô Đức đã mất niềm tin của khách hàng vào công nghệ diesel sạch của họ sau khi phát hiện ra các sai phạm trong các thử nghiệm khí thải vào năm 2015, cho thấy rằng các vấn đề như vậy có thể gây tổn hại không chỉ đến thương hiệu mà còn cả giá trị của công nghệ.
Toyota đang tiến hành chiến lược "đa con đường" của mình, tìm kiếm các lựa chọn đa dạng để đạt được sự trung hòa carbon. Công ty, cùng với Mazda và Subaru, gần đây cho biết họ đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển động cơ chạy bằng xăng.
"Những bất thường trong chứng nhận ô tô liên quan đến động cơ sẽ dẫn đến sự mất tin tưởng và lo lắng giữa các nhà sản xuất động cơ. Đó không phải là vấn đề về lý thuyết hay logic," Osanai nói. "Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải cẩn thận vì những chiến lược sản phẩm của họ hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng."