Quảng cáo

Chủ của ô tô bị tàu hỏa tông nát đầu có thể phải chịu hình thức xử phạt nào?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ sáu, 07/06/2024 10:18 AM (GMT+7)
A A+

Cơ quan chức năng đang xem xét xử lý hành chính với tài xế dừng đỗ ô tô sát đường sắt, gây ra vụ va chạm với tàu hỏa hôm 5/6 tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Xem xét xử lý tài xế trong vụ ô tô bị tàu hỏa tông nát đầu vì đỗ sai quy định

Mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đơn vị hiện đang tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ để làm rõ hành vi của tài xế đỗ ô tô sát đường sắt, dẫn đến va chạm với tàu hỏa, đồng thời xem xét xử lý hành chính người này.

Theo thông tin ban đầu, lái tàu đã cố gắng hãm phanh nhưng không kịp, dẫn đến va chạm.

Chủ của ô tô bị tàu hỏa tông nát đầu có thể phải chịu hình thức xử phạt nào? 476837
Đầu xe ô tô bị biến dạng hoàn toàn sau tai nạn.

Sau khi hoàn tất khám nghiệm hiện trường và thu thập tài liệu, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi và xem xét xử lý đối với người vi phạm. Người điều khiển chiếc ô tô được xác định là anh Đ.T.N. (sinh năm 1985), chủ sở hữu chiếc Hyundai màu đỏ bị hư hỏng sau vụ va chạm.

Trước đó, vào chiều ngày 5/6, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra vào khoảng 17h30 tại đoạn đường sắt trước số 5 ngõ 104 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm.

Chủ của ô tô bị tàu hỏa tông nát đầu có thể phải chịu hình thức xử phạt nào? 476838

Vào thời điểm đó, tài xế đã dừng đỗ ô tô biển kiểm soát 30K-200.xx cạnh đường tàu, đoạn trước ngõ 104 gần với tuyến đường sắt.

Khi đoàn tàu đi tới, thấy người dân xung quanh hô hoán, anh N. chạy ra định điều khiển ô tô ra chỗ khác nhưng không kịp. Chiếc ô tô bị tàu hỏa tông làm vỡ nát phần đầu. Anh N. đứng gần xe may mắn không bị thương.

Tài xế ô tô có thể phải nhận hình thức xử phạt nào?

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết chiếc ô tô đã đỗ quá gần đường ray, không tuân thủ quy định về khoảng cách.Xe phải đỗ cách mép ngoài đường ray ít nhất 1,8m để đảm bảo an toàn.

Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Đường sắt, nêu rõ hành vi dừng đỗ xe trong phạm vi an toàn đường sắt bị nghiêm cấm.

Theo nghị định 56/2018 của Chính phủ, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra, với quy định cụ thể cho từng loại đường sắt.

Chủ của ô tô bị tàu hỏa tông nát đầu có thể phải chịu hình thức xử phạt nào? 476841

Đối với đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m.

Trong khi đó, đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m.

Theo quy định tại điểm a khoản 7 điều 5 nghị định 100/2019 và điểm d khoản 3 điều 2 nghị định 123/2021, hành vi "Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông" thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng và bị tước bằng lái 2 - 4 tháng.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của vụ tai nạn giao thông, nếu hậu quả vụ tai nạn được xác định là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên thì tài xế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc này là bài học cho nhiều người về việc tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ra thiệt hại và khiến bản thân phải gặp rắc rối với pháp luật,

Quảng cáo
Xem thêm