Anh - Việc chính phủ Anh thông báo trì hoãn lệnh cấm bán ô tô chạy động cơ đốt trong mới thêm 5 năm khiến các nhà sản xuất xe hơi phẫn nộ.
Theo CNN, Chính phủ Anh hồi tháng 9 cho biết họ sẽ trì hoãn lệnh cấm bán ô tô chạy bằng khí đốt và dầu diesel mới thêm 5 năm, khiến các nhà sản xuất ô tô tức giận cảnh báo rằng động thái này có thể làm suy yếu nỗ lực áp dụng rộng rãi xe điện.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố quyết định này trong bối cảnh ông đang giảm bớt một số chính sách năng lượng “xanh” của chính phủ, bất chấp sự phản đối gay gắt từ các nhà vận động khí hậu, các thành viên chính phủ và các doanh nghiệp.
Ông cho biết việc áp dụng xe điện quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng tới nhóm người có thu nhập thấp tại Anh.
Như vậy, người dân sẽ có thể mua ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel cho tới năm 2035, thay vì năm 2030, đưa mốc thời gian của Vương quốc Anh ngang hàng với các quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Canada và Thụy Điển.
Sunak nói: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang xe điện, đồng thời vẫn sẽ đáp ứng các cam kết quốc tế của mình và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.”
Đáng chú ý, sự thay đổi về chính sách đã vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất ô tô. Điều này cũng rất hợp lý khi xét tới việc họ đã cam kết chi ra hàng tỷ USD để điện khí hóa đội xe của mình trước thời hạn và hy vọng rằng kế hoạch cấm xe xăng từ năm 2030 sẽ thúc đẩy nhu cầu về xe điện.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi cần có ba điều từ chính phủ Anh, đó là tham vọng, cam kết và tính nhất quán. Việc nới lỏng quy định sẽ làm suy yếu cả ba”, Chủ tịch Ford Vương quốc Anh Lisa Brankin cho biết trong một tuyên bố.
Brankin nói thêm: “Chúng tôi cần các chính sách tập trung vào việc thúc đẩy thị trường xe điện trong thời gian ngắn và hỗ trợ người tiêu dùng trước những vấn đề còn tồn tại như: Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thuế quan thấp và chi phí sinh hoạt cao”.
Cách đây vài tháng, BMW đã công bố khoản đầu tư trị giá 600 triệu bảng Anh (gần 20.000 tỷ đồng) để sản xuất xe điện thương hiệu Mini tại các nhà máy Oxford và Swindon ở Anh.
Trước đó, Mini cho biết sẽ “chuyển mình” trở thành hãng xe thuần điện từ năm 2030.
“Chúng tôi và toàn bộ ngành công nghiệp ô tô cần sự rõ ràng trong định hướng phát triển xe điện,” nhà sản xuất ô tô Đức chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Stellantis, công ty sở hữu các thương hiệu Fiat, Peugeot và Citroën, cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ làm rõ ràng vấn đề nêu trên, đồng thời cho biết họ cam kết đạt 100% doanh số bán xe hơi và xe tải mới không phát thải ở Anh vào cuối thập kỷ này.
Ngành công nghiệp ô tô của Vương quốc Anh đang tìm đà “hồi sinh” trở lại sau khi sản lượng xe hơi chạm mức thấp nhất trong 66 năm vào năm 2022. Các hãng xe đến từ xứ sở sương mù cũng đã tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển xe điện do thiếu nguồn sản xuất pin trong nước.
Hồi tháng 7, Tập đoàn Tata của Ấn Độ cho biết họ sẽ đầu tư hơn 4 tỷ bảng Anh để xây dựng một nhà máy nhằm cung cấp gần một nửa số pin mà Vương quốc Anh sẽ cần vào năm 2030.
Sự thay đổi chính sách mới nhất có thể cản trở tiến trình đó, thậm chí gây tổn hại cho nền kinh tế nếu nó là mối đe dọa đối với tương lai của ngành sản xuất ô tô Vương quốc Anh.
Mike Hawes, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô cho biết, nếu Anh muốn trở thành quốc gia đi đầu trong việc loại bỏ dần các phương tiện gây ô nhiễm, “người tiêu dùng phải thực sự có nhu cầu thực hiện chuyển đổi”.
“Điều này đòi hỏi từ chính phủ một thông điệp rõ ràng, nhất quán, các ưu đãi hấp dẫn và cơ sở hạ tầng tính phí. Sự bối rối và không chắc chắn sẽ chỉ cản trở họ”, ông nói thêm. Hawes cũng chia sẻ với đài BBC rằng giảm lượng khí thải từ vận tải đường bộ “là cách duy nhất để đạt được mức phát thải ròng bằng 0”.
Cố vấn độc lập của chính phủ Anh về chính sách khí hậu, thuộc Ủy ban Biến đổi Khí hậu, cũng đồng tình với quan điểm đó. Trong một báo cáo năm 2020, ủy ban cho biết “quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện” sẽ là “một trong những hành động quan trọng nhất để đạt được mục tiêu ‘net zero’ của Vương quốc Anh”.