Ô tô Trung Quốc đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam, đổi hướng chinh phục người tiêu dùng

Mai Hương Mai Hương
Thứ ba, 22/04/2025 17:47 PM (GMT+7)
A A+

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 đang chứng kiến sự trỗi dậy của các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Khác với hình ảnh từng mờ nhạt trong quá khứ, các hãng xe đang cho thấy bước chuyển mình rõ rệt cả về chiến lược sản phẩm lẫn định vị thương hiệu.

Đáng chú ý, họ không còn tập trung vào xe thuần điện (EV) mà đang đẩy mạnh phát triển xe hybrid cắm sạc (PHEV) – một phân khúc vẫn còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.

BYD tiên phong thay đổi chiến lược

Dẫn đầu xu hướng này là BYD – thương hiệu ô tô Trung Quốc vốn gắn liền với các dòng xe điện.

Trong năm 2024, BYD đã giới thiệu mẫu PHEV đầu tiên tại thị trường Việt Sealion 6 với hai phiên bản có giá lần lượt 839 triệu và 936 triệu đồng.

Việc BYD chuyển hướng sang PHEV không phải là điều bất ngờ trong bối cảnh thị trường EV trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Ô tô Trung Quốc đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam, đổi hướng chinh phục người tiêu dùng  624387

Cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn chưa đồng bộ, trong khi thị phần EV đã phần nào được định hình bởi VinFast. Lựa chọn PHEV giúp BYD vừa duy trì yếu tố thân thiện môi trường, vừa phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế của người dùng Việt.

Chiến lược này cũng nhất quán với định hướng toàn cầu của hãng. Trong quý I/2025, BYD bán ra hơn 569.000 xe PHEV, cao hơn đáng kể so với khoảng 416.000 xe thuần điện.

Cả năm 2024, trong tổng số hơn 4,25 triệu xe năng lượng mới (NEV) được tiêu thụ, có tới gần 2,5 triệu là xe PHEV – minh chứng rõ ràng cho trọng tâm chiến lược mới.

Giá bán cạnh tranh tiếp tục là “vũ khí” chủ lực

Bên cạnh thay đổi về sản phẩm, các hãng xe Trung Quốc vẫn giữ nguyên một trong những lợi thế lớn nhất: giá bán cạnh tranh.

Trong bối cảnh ô tô vẫn là một khoản đầu tư lớn đối với phần đông người tiêu dùng Việt, mức giá hợp lý tiếp tục là yếu tố quyết định trong việc thâm nhập thị trường.

Điển hình, mẫu Jaecoo J7 PHEV ban đầu được giới thiệu với mức giá 999 triệu đồng nhưng sau khi BYD Sealion 6 ra mắt, hãng nhanh chóng điều chỉnh giá xuống 879 triệu đồng kèm cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua trước đó.

Mẫu Haval H6 Hybrid dù có giá niêm yết 986 triệu đồng hiện được phân phối tại một số đại lý với mức giá chỉ khoảng 770 triệu đồng, mức giảm lên tới hơn 200 triệu đồng.

Ô tô Trung Quốc đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam, đổi hướng chinh phục người tiêu dùng  624390

Ở phân khúc SUV cỡ B, sự cạnh tranh về giá càng trở nên gay gắt hơn.Mẫu Geely Coolray ra mắt với mức giá 538 triệu đồng, trong khi Omoda C5 Luxury được giảm xuống dưới 500 triệu đồng, đưa giá bán ngang ngửa với các mẫu SUV hạng A+/B như Toyota Raize hay Kia Sonet.

Bài học từ quá khứ: Giá rẻ là cần, chưa đủ

Sự linh hoạt trong định vị sản phẩm và chiến lược giá cho thấy các hãng xe Trung Quốc đã học được nhiều từ những thất bại trước đó.

Các mẫu xe đời đầu từng bị phê phán vì chất lượng thấp, thiết kế lỗi thời và thiếu dịch vụ hậu mãi phù hợp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, giá rẻ chỉ là điều kiện cần, chưa phải là bảo chứng cho thành công.

Để thực sự chinh phục thị trường Việt, các thương hiệu Trung Quốc cần tiếp tục cải thiện về chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành rõ ràng và đặc biệt là dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp.

Ô tô Trung Quốc đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam, đổi hướng chinh phục người tiêu dùng  624391

Cơ hội và thách thức phía trước

Trong ngắn hạn, làn sóng xe Trung Quốc có thể tạo nên sức ép không nhỏ lên các hãng xe truyền thống, buộc họ phải xem xét lại chiến lược giá và cấu hình sản phẩm.

Đồng thời, người tiêu dùng Việt có thêm cơ hội tiếp cận các mẫu xe có thiết kế hiện đại và tính năng cao cấp với mức giá dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, về dài hạn, rào cản tâm lý và thương hiệu vẫn là một bài toán chưa có lời giải dứt điểm. Liệu người tiêu dùng Việt có sẵn sàng đặt niềm tin lâu dài vào các mẫu xe đến từ Trung Quốc?

Ô tô Trung Quốc đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam, đổi hướng chinh phục người tiêu dùng  624393

Việc các hãng xe Trung Quốc ồ ạt quay trở lại thị trường Việt Nam không còn là “cuộc dạo chơi” như trước.

Thay vào đó, đây là cuộc đổ bộ có chiến lược rõ ràng, tập trung vào những yếu tố thiết thực như sản phẩm phù hợp, giá bán cạnh tranh và khả năng đáp ứng thị hiếu thị trường.

Dù còn nhiều hoài nghi và thử thách, sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc đang từng bước tái định hình bức tranh ô tô Việt Nam trong giai đoạn hậu EV.

Xem thêm