Quảng cáo

Những tình huống trượt đăng kiểm “dở khóc dở cười” khi dùng phụ tùng chính hãng

Mai Hương Mai Hương
Thứ sáu, 20/12/2024 19:50 PM (GMT+7)
A A+

Không ít người tiêu dùng tại Hà Nội rơi vào tình huống khó xử khi đăng kiểm dù đã sử dụng phụ tùng chính hãng.

Đèn pha "zin" nhưng vẫn không đạt chuẩn

Một ví dụ điển hình là trường hợp của chị Thùy Dương, chủ sở hữu chiếc Mitsubishi Xpander Premium đời 2022. Khi đưa xe đi kiểm định, chiếc xe không vượt qua được bài kiểm tra đèn chiếu sáng, dù nhìn bằng mắt thường, đèn pha của xe trông vẫn "nguyên bản".

Những tình huống trượt đăng kiểm “dở khóc dở cười” khi dùng phụ tùng chính hãng 572266

Theo giải thích từ trung tâm đăng kiểm, góc chiếu sáng của bộ đèn không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam. Tìm hiểu kỹ hơn, chị Dương phát hiện rằng bộ đèn pha đã được thay thế bởi chủ xe trước đó tại một xưởng dịch vụ không chính hãng.

Mặc dù đèn pha là sản phẩm của Mitsubishi nhưng thiết bị được nhập khẩu từ thị trường tay lái nghịch như Indonesia và Thái Lan. Kết quả là để đạt tiêu chuẩn đăng kiểm, chị phải thay lại đèn chính hãng dành riêng cho thị trường tay lái thuận như Việt Nam.

Bộ giảm xóc chính hãng cũng gây rắc rối

Không chỉ dừng lại ở đèn pha, anh Thanh Hoài, chủ nhân chiếc Mercedes S400 đời 2015, cũng gặp khó khăn khi đăng kiểm dù đã thay bộ giảm xóc khí nén chính hãng.

Tại kỳ bảo dưỡng 60.000 km, anh thay mới phụ tùng tại đại lý Mercedes chính hãng. Tuy nhiên, khi kiểm định, xe của anh bị từ chối vì bộ giảm xóc mới làm hành trình giảm xóc tăng thêm 2 mm so với thiết kế nguyên bản.

Những tình huống trượt đăng kiểm “dở khóc dở cười” khi dùng phụ tùng chính hãng 572267

Mặc dù sự chênh lệch này rất nhỏ và khó nhận biết bằng mắt thường nhưng trang bị này vẫn bị trung tâm đăng kiểm đánh giá là không đạt chuẩn. Sau đó, anh Hoài phải quay lại đại lý chính hãng để xin giấy xác nhận, từ đó mới được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Rủi ro từ việc sử dụng dịch vụ không chính hãng

Theo anh Dũng, chủ một showroom xe cũ tại Hà Nội, việc nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ không chính hãng xuất phát từ giá cả rẻ hơn và thời gian sửa chữa nhanh chóng.

Tuy nhiên điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ mất quyền lợi bảo hành đến việc sử dụng phụ tùng không đúng chuẩn dẫn đến các vấn đề về đăng kiểm.“Những chiếc xe có lịch sử bảo dưỡng chính hãng thường có giá trị thanh khoản cao hơn vì người mua cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng,” anh Dũng nhận định.

Những tình huống trượt đăng kiểm “dở khóc dở cười” khi dùng phụ tùng chính hãng 572268

Trên thực tế, việc trượt đăng kiểm do sử dụng phụ tùng chính hãng nhưng không đúng phiên bản từng xảy ra tại Việt Nam. Một ví dụ là trường hợp của chiếc Toyota Vios tại Hà Nội năm 2021.

Chủ xe đã thay đèn LED chính hãng từ bản G cho bản E nhưng vẫn bị từ chối kiểm định vì bị đánh giá là thay đổi kết cấu xe. Sau nhiều lần khiếu nại, chiếc xe mới được cấp chứng nhận kiểm định.

Lời khuyên dành cho chủ xe

Những câu chuyện như của chị Thùy Dương và anh Thanh Hoài là lời nhắc nhở quan trọng dành cho các chủ xe. Dù sử dụng phụ tùng chính hãng, việc không tuân thủ đúng quy định hoặc không kiểm tra kỹ nguồn gốc cũng có thể gây ra phiền toái lớn.

Vì vậy, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi sử dụng dịch vụ sửa chữa, thay thế, đặc biệt là tại các garage không chính hãng để tránh những rắc rối không đáng có.

Quảng cáo
Xem thêm