Không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà phương pháp sản xuất mới của Tesla còn có thể có tác động to lớn về bảo vệ môi trường.
Tesla - một "ông lớn" trong lĩnh vực ô tô điện toàn cầu, đang chuẩn bị ra mắt mẫu xe điện mới có giá khoảng 25.000 USD (~625 triệu đồng). Bên cạnh việc giới thiệu mẫu xe điện giá rẻ mới, Tesla còn bật mí một phương pháp sản xuất mới mang tính cách mạng, có khả năng giảm giá thành sản xuất một cách đáng kể.
Hãng xe điện này đã đề cập đến phương pháp sản xuất mới của mình dưới cái tên "phương pháp không hộp" (unboxed method). Thay vì dựa vào dây chuyền lắp ráp truyền thống, Tesla dự định triển khai các nhóm nhỏ nhân viên để lắp ráp đồng thời các bộ phận chính của xe, sau đó các bộ phận này sẽ được tích hợp trong quá trình lắp ráp cuối cùng.
Phương pháp sản xuất xe hơi độc đáo này có tiềm năng giảm một nửa chi phí sản xuất và hạn chế phát thải tới 40%
Phát biểu về phương pháp không hộp vào cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch về kỹ thuật xe của Tesla, Lars Moravy, cho biết: “Nếu chúng tôi muốn mở rộng quy mô theo cách mà chúng tôi mong muốn, chúng tôi phải suy nghĩ lại về việc sản xuất.”
Kể từ khi Henry Ford phát minh ra dây chuyền lắp ráp cho Model T vào năm 1913, phần lớn các mẫu xe sản xuất hàng loạt trên thị trường đều được sản xuất theo cách này. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Tesla lưu ý rằng cách tiếp cận này có nhiều bất cập. Ví dụ, toàn bộ xe sẽ được sơn trong quá trình này trong khi phương pháp không hộp sẽ cho phép Tesla chỉ sơn những bộ phận cần thiết .
Vào tháng 1/2024, Elon Musk cho biết Tesla đã "tiến xa" trong việc phát triển mẫu xe điện giá rẻ mới của mình và mô tả hệ thống sản xuất "cách mạng" của nó là "tiên tiến hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống sản xuất ô tô nào trên thế giới, với một khoảng cách đáng kể."
Công ty đánh giá kỹ thuật và xe hơi Caresoft đã nói với Bloomberg rằng họ đã tạo ra một bản sao kỹ thuật số của "nền tảng không hộp" của Tesla. Họ nói rằng điều này là khả thi về mặt kỹ thuật và có thể mang lại "lợi ích tài chính khổng lồ." Mặc dù một số nhà phân tích tin rằng Tesla có thể tiết kiệm đến 50% bằng cách sử dụng quy trình này, các nhà phân tích từ Bloomberg Intelligence cho rằng nó có thể giảm chi phí sản xuất khoảng 33%.
Mặc dù tiềm năng tiết kiệm của phương pháp không hộp là rất lớn, tuy nhiên nó vẫn chưa được chứng minh, đồng thời nó sẽ khiến Tesla áp dụng một quy trình lắp ráp hoàn toàn mới, có thể gây ra sự chậm trễ. Nhưng nếu Tesla đạt được mục tiêu của mình, hãng có thể củng cố vị thế thống trị của mình trên thị trường xe điện, hiện đang bị đe dọa bởi một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.