Quảng cáo

Bỏ túi kinh nghiệm giúp "xế cưng" bớt thiệt hại sau khi ngập nước

Mai Hương Mai Hương
Thứ hai, 09/09/2024 21:00 PM (GMT+7)
A A+

Cách xử lý khi ô tô bị ngập nước, giải pháp hiệu quả để tiết kiệm chi phí cho chủ xe.

Khi ô tô không may bị ngập nước, việc xử lý kịp thời và đúng cách có thể giúp giảm thiểu đáng kể chi phí sửa chữa cũng như tránh những hư hại nghiêm trọng cho xe. Dưới đây là các bước quan trọng mà tài xế cần lưu ý để bảo vệ xe khi gặp phải tình huống này.

Không cố khởi động xe

Khi nước ngập đến nắp ca-pô hoặc khi xe chết máy lúc đang di chuyển qua khu vực ngập nước, khả năng cao là nước đã lọt vào động cơ. Trong trường hợp này, việc cố khởi động xe có thể dẫn đến hiện tượng thủy kích, một sự cố nghiêm trọng đối với động cơ.

Thủy kích có thể làm biến dạng hoặc gãy tay biên, thậm chí làm hỏng thành xi-lanh và gây vỡ lốc máy. Chi phí sửa chữa khi xe bị thủy kích thường rất cao, dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tùy thuộc vào mức độ hư hại và giá trị của xe.

Bỏ túi kinh nghiệm giúp

Đặc biệt, đối với các dòng xe mới, việc phải "bổ máy" có thể làm giảm từ 1/3 đến 1/2 giá trị xe, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bán lại xe trong tương lai.

Do đó, khi xe bị ngập nước hoặc chết máy khi lội qua chỗ ngập, tốt nhất là không cố khởi động xe. Hãy đẩy xe đến chỗ khô ráo nếu có thể, sau đó liên hệ dịch vụ cứu hộ để đưa xe về gara kiểm tra và sửa chữa.

Liên hệ với công ty bảo hiểm

Nếu chủ xe đã mua bảo hiểm vật chất cho xe, hãy liên hệ ngay với công ty bảo hiểm sau khi xe bị ngập nước. Tùy thuộc vào mức độ hư hỏng và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm, chủ xe có thể được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí sửa chữa xe. Đây là một bước quan trọng giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính khi xe gặp phải sự cố ngập nước.

Bỏ túi kinh nghiệm giúp

Vệ sinh nội thất ngay lập tức

Khi nước lọt vào bên trong xe thường mang theo đất cát và các chất bẩn khác. Nếu không xử lý kịp thời, các bộ phận bên trong xe có thể bị ẩm mốc, gây hư hại cho nội thất và hệ thống điện. Để tránh điều này, cần nhanh chóng mở tất cả các cửa xe, lau khô nước đọng và tháo các tấm thảm sàn ra để vệ sinh và phơi khô.

Ghế ngồi và các bề mặt vải nỉ cần được vệ sinh kỹ lưỡng, còn các bộ phận kim loại nên được lau khô và tra mỡ để tránh bị han gỉ. Nếu chưa thể đưa xe tới gara ngay, chủ xe cần tự xử lý các bước vệ sinh này để tránh tình trạng ẩm mốc lâu ngày khó khắc phục.

Bỏ túi kinh nghiệm giúp

Kiểm tra hệ thống điện và cảm biến

Hệ thống điện và các cảm biến trên xe rất nhạy cảm với nước. Khi ô tô bị ngập nước, cần kiểm tra kỹ các giắc nối và dây dẫn dưới sàn xe, sau đó sấy khô để đảm bảo độ tiếp xúc tốt nhất.Nếu để lâu mà không xử lý, dây điện và các giắc nối có thể bị oxy hóa, gây hỏng hóc cho hệ thống điện và cảm biến.

Bên cạnh đó, các bộ phận khác như hệ thống nhiên liệu, lọc gió, phanh và máy nén điều hòa cũng cần được kiểm tra kỹ càng để đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của xe sau khi ngập nước.

Bỏ túi kinh nghiệm giúp

Đưa xe tới xưởng sửa chữa uy tín

Sau khi thực hiện các biện pháp xử lý cơ bản, việc đưa xe tới một xưởng sửa chữa uy tín để kiểm tra toàn bộ xe là bước cuối cùng và rất quan trọng. Tại đây, các kỹ thuật viên chuyên nghiệp sẽ kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống của xe và thực hiện bảo dưỡng để xe có thể hoạt động bình thường trở lại mà không gặp phải các hư hại tiềm ẩn.

Bằng cách tuân thủ những hướng dẫn trên, chủ xe có thể bảo vệ xe của mình khỏi những hư hỏng nặng nề và đảm bảo xe có thể hoạt động an toàn sau khi gặp sự cố ngập nước.

Quảng cáo
Xem thêm