Có lẽ chưa kỳ World Cup nào trong lịch sử lại đón nhận nhiều ý kiến tiêu cực từ người hâm mộ và các cầu thủ như kỳ World Cup 2022 tại Qatar. Đất nước này liên tục bị tố cáo tham nhũng, hối lộ và vi phạm quyền con người cực kỳ nghiêm trọng. Mới đây nhất, hậu vệ huyền thoại ĐTQG Đức Philipp Lahm khẳng định anh sẽ không đến Qatar vì lý do nhân quyền.
Mặc dù là kỳ World Cup đắt đỏ và hiện đại bậc nhất trong lịch sử, tuy nhiên, tờ Guardian (Anh) tiết lộ đã có hơn 6.500 công nhân nhập cư từ Ấn Ðộ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã thiệt mạng tại Qatar kể từ khi nước này giành quyền đăng cai World Cup 2022 cách đây 10 năm. Điều kiện làm việc tồi tệ, dụng cụ bảo hộ không đảm bảo, chỗ ở tồi tàn, mức lương trả vô cùng thấp, nhưng nghiêm trọng nhất nằm ở việc chủ nhà Qatar hoàn toàn phớt lờ cái chết của những công nhân này.
Trong khi đó, những vị khách đặc quyền được ngâm mình trong các hồ bơi và spa, được sống trong các căn phòng có giá hàng nghìn đến hàng chục nghìn euro/đêm, được thưởng thức các món ăn xa xỉ trong các nhà hàng sang trọng, thì ngoài kia những người công nhân phải làm việc từ 15 tiếng một ngày, thậm chí được trả mức lương 1 euro/giờ.
Trước các cáo buộc vi phạm nhân quyền, chủ tịch World Cup của Qatar - ông Nasser el-Khater phản bác lại rằng các cáo buộc là vô căn cứ và tất cả chỉ nhắm vào đất nước Qatar:
“Thật không may, rất nhiều tổ chức đưa ra những báo cáo này thậm chí không thèm đến đây, để tự mình xem xét mọi thứ."
Ngoài các vấn đề về nhân quyền, cách đối xử tại Qatar với phụ nữ và cộng đồng LGBT cũng bị lên án nghiêm trọng. Rất nhiều cầu thủ, HLV đã lên tiếng tẩy chay, thậm chí không tham dự kỳ World Cup được tổ chức lần đầu tiên vào mùa đông này. Mới đây nhất, cựu cầu thủ Bayern Munich - Philipp Lahm tuyên bố anh sẽ không tham dự kỳ World Cup này:
"Tôi không phải thành viên của phái đoàn ĐTQG Đức, và tôi càng không muốn đến đó với tư cách người hâm mộ. Tôi sẽ theo dõi giải đấu này ở nhà."
"Nhân quyền là thứ nên được đặt lên trên hàng đầu, nhất là ở một giải đấu như thế này. Một quốc gia yếu kém về bảo vệ quyền con người lại được trao quyền đăng cai World Cup, tôi cũng như các bạn nên suy nghĩ về các tiêu chí để trao quyền tổ chức World Cup. Quyền con người, sự bền vững, hình như không có tiêu chí nào trong số những gì tôi vừa nói đóng một vai trò nào đó trong tiêu chí đăng cai World Cup lần này."
Đồng thời, Philipp Lahm khẳng định anh muốn thấy một đội tuyển Đức đến Qatar nhưng sẽ không im lặng trước vấn đề liên quan đến nhân quyền, cựu cầu thủ 38 tuổi nói:
"Là một cầu thủ, họ (ám chỉ các thành viên ĐTQG Đức) không thể im lặng và phải lên tiếng."
Theo dự kiến, vòng bảng World Cup 2022 sẽ diễn ra từ ngày 21/11 - 2/12, chủ nhà Qatar sẽ là đội đá trận ra quân. World Cup 2022 có tổng cộng 32 đội tuyển chia vào 8 bảng đấu. Các đội tuyển sẽ thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, hai đội nhất nhì các bảng đấu sẽ giành vé vào vòng 16 đội.
Vòng 1/8 sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/12. Vòng tứ kết diễn ra trong các ngày 9 và 10/12. Ngày 13 và 14/12 là thời điểm của các trận bán kết. Trận chung kết để tìm ra nhà vô địch diễn ra ngày 18/12.
World Cup 2022 sẽ diễn ra trên 8 SVĐ khác nhau thuộc 5 thành phố. Trận chung kết được tổ chức trên sân Lusail Iconic, SVĐ mới được xây dựng phục vụ World Cup với sức chứa khoảng 80.000 chỗ ngồi.
Nghe lời vợ, De Jong từ chối Chelsea để quyết định tương lai đầy bất ngờ
Đây, đáp án cho câu hỏi: 'Ronaldo với Messi, ai giỏi hơn?'