Truyền thông khu vực đưa tin, LĐBĐ Indonesia có ý định chuyển hướng xin sang liên đoàn khác sau khi gặp khó trong việc gia nhập LĐBĐ Đông Á.
U19 Indonesia bị loại đầy cay đắng tại giải U19 Đông Nam Á khiến dư luận nước này vô cùng bức xúc. Họ cho rằng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan ở trận đấu cuối vòng bảng đã cố tình “bắt tay nhau” và không thi đấu đúng sức. Thậm chí để phản đối LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), NHM xứ vạn đảo đã yêu cầu LĐBĐ Indonesia (PSSI) rời khỏi AFF.
Dư luận Indonesia từ thời điểm đó đến nay liên tục đưa tin PSSI đang nghiêm túc tính toán kế hoạch xin rút khỏi AFF và điểm đến tiếp theo của họ sẽ là LĐBĐ Đông Á (EAFF). Tuy nhiên theo tờ CNN Indonesia, khả năng gia nhập EAFF của LĐBĐ Indonesia vẫn còn bỏ ngỏ sau khi các lãnh đạo PSSI đang tính toán lại quyền lợi nếu gia nhập LĐBĐ Đông Á.
Cũng theo tờ CNN Indonesia, PSSI nhận thấy hệ thống thi đấu tại Đông Á lúc này chưa có nhiều giải đấu, đặc biệt thiếu những sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ. Nếu gia nhập EAFF, bóng đá trẻ Indonesia sẽ không có nhiều cơ hội được cọ xát và có nguy cơ thụt lùi so với các đội tuyển trong khu vực. Lần cuối cùng EAFF tổ chức một giải đấu trẻ đã từ năm 2019 cho lứa U15 nữ.
Ngay lập tức, phía Indonesia đã chuyển hướng sang phương án khác đó là xin gia nhập LĐBĐ Trung Á (CAFA). Hiện tại, CAFA có 6 thành viên là Afghanistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Iran - nền bóng đá có đội tuyển quốc gia đang đứng đầu châu Á hiện tại.
CAFA có trình độ nhỉnh hơn EAFF. Không những vậy, các giải bóng đá trẻ cũng được liên đoàn này rất chú trọng. Gần giống với LĐBĐ Đông Nam Á, CAFA tổ chức đầy đủ các giải đấu từ U16 đến U23 cho nam và nữ. Vì thế, các quan chức PSSI cho rằng những yếu tố về chuyên môn của bóng đá Indonesia sẽ không bị thay đổi quá nhiều một khi họ chính thức rời AFF để xin gia nhập CAFA.
Báo chí Indonesia dẫn lời Tổng thư ký PSSI, Yunus Nusi hôm 30/7 khẳng định rằng PSSI vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, mọi chuyện sẽ được chốt trong thời gian sớm nhất có thể.
“Chúng tôi sẽ thảo luận với các thành viên Ủy ban điều hành PSSI để thảo luận về ưu và nhược điểm của việc rời AFF. Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định. Hãy cho chúng tôi một thời gian. Sau khi mọi thứ rõ ràng, chúng tôi sẽ thông báo nó đến công chúng", ông Yunus Nusi nói trên trang web của PSSI.
Về phía AFF, sau khi có động thái từ phía Indonesia, đòi bỏ AFF để gia nhập Liên đoàn bóng đá Đông Á (EAFF), tổ chức này đã có một số phản ứng, trong đó có việc tính đến phương án đưa một số quốc gia vào để khỏa lấp khoảng trống của Indonesia. Truyền thông khu vực tiết lộ Australia và cả Ấn Độ đều sẵn sàng thay thế vị trí của Indonesia.