Vừa dính "phốt" gian lận an toàn trên Vios và Wigo, Daihatsu - hãng con của Toyota lại dính vào cáo buộc gian lận thử nghiệm trên Raize.
Cách đây không lâu, tập đoàn Toyota và hãng con Daihatsu đã vướng vào bê bối gian lận thử nghiệm an toàn trên một vài mẫu xe sử dụng nền tảng DNGA gồm Toyota Vios và Wigo.
Theo đó, Daihatsu thừa nhận họ đã rạch một số chi tiết trên cửa cạnh người lái, để khi xảy ra va chạm thì các mảnh nhựa sẽ vỡ theo đúng ý đồ.
Ngay sau đó, Daihatsu phải tạm dừng bán các mẫu xe này để tiến hành kiểm tra lại đồng thời đưa ra lời xin lỗi chân thành đến khách hàng.
Sau vụ việc trên, Toyota và Daihatsu đều cho biết mẫu xe Raize cũng bị ảnh hưởng nhưng không liên quan đến bài kiểm tra an toàn bị gian lận trước đó.
Trong một cuộc điều tra nội bộ, Daihatsu - nhà sản xuất chính của Raize bị phát hiện đã thực hiện không đúng cách bài thử nghiệm UN-R135.
UN-R135 là một bài kiểm tra thử nghiệm va chạm hông xe. Trong đó, một vật có hình trụ sẽ tác động với tốc độ 32 km/h từ khoảng cách 254 mm vào thân xe ở một góc 75 độ. Thử nghiệm phải được thực hiện ở cả hai bên trái và phải của thân xe.
Theo những gì được tiết lộ từ cuộc điều tra, Raize đã hoàn thành bài kiểm tra ở phía ghế phụ (bên trái) trước sự chứng kiến của cơ quan quản lý.
Thế nhưng kết quả của phía ghế tài xế (bên phải) lại sử dụng y nguyên dữ liệu thu được từ phía bên trái.
Cho đến nay, Toyota và Daihatsu thừa nhận rằng chỉ có phiên bản Raize hybrid bị ảnh hưởng. Trong đó bao gồm 22.329 chiếc Daihatsu Rocky HEV và 56.111 chiếc Toyota Raize HEV.
Hiện tại vẫn chưa biết được phiên bản Raize non-hybrid hay các phiên bản được lắp ráp tại các nhà máy khác có bị ảnh hưởng hay không.
Bắt đầu từ hôm nay, Toyota và Daihatsu đã cho ngưng việc bán và vận chuyển các mẫu xe Raize và Rocky. Ngoài ra, Toyota cũng thực hiện một cuộc tái kiểm tra trên toàn công ty.