Từ năm nay, giấy phép lái xe tại Việt Nam được áp dụng hệ thống điểm số, mỗi bằng có 12 điểm. Người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị trừ điểm và có nguy cơ bị cấm lái xe, phạt đến 20 triệu đồng.
Nội dung chính
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng cơ chế tính điểm trên giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, mỗi GPLX sẽ được cấp 12 điểm mỗi năm và toàn bộ dữ liệu liên quan đến điểm số này sẽ được đồng bộ trên ứng dụng VNeID trong phần "Giấy phép lái xe".
Khi người tham gia giao thông vi phạm luật, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng, số điểm trên GPLX sẽ bị trừ dần, tối đa có thể lên đến 10 điểm cho một hành vi vi phạm.

Hình thức quản lý mới này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, đồng thời giúp cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong việc theo dõi, xử lý và đánh giá mức độ vi phạm.
Hết điểm GPLX sẽ bị cấm điều khiển phương tiện
Khi bị trừ hết 12 điểm, người điều khiển phương tiện sẽ không được phép tiếp tục lái xe tương ứng với loại bằng đã bị trừ điểm. Trong trường hợp vẫn cố tình điều khiển phương tiện khi GPLX đã không còn điểm, người vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, theo khoản 5, điều 18 của Nghị định 168, người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc xe điện có công suất đến 11 kW khi GPLX đã bị trừ hết điểm sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng. Đây là mức xử phạt áp dụng đối với các dòng xe máy phổ thông và xe điện nhỏ.
Đối với các phương tiện có động cơ mạnh hơn, theo khoản 7, điều 18 của Nghị định này, người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc xe điện có công suất vượt 11 kW khi bằng lái đã không còn điểm sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
Trường hợp nghiêm trọng nhất là đối với người điều khiển ô tô, các loại xe tương tự ô tô hoặc xe chở người, chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, nếu vi phạm trong khi GPLX đã bị trừ hết điểm, sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng theo khoản 9, điều 18.

Trong trường hợp người điều khiển có nhiều loại GPLX (ví dụ như vừa có bằng A1, vừa có bằng B2), việc bị trừ hết điểm trên một loại GPLX không đồng nghĩa với việc bị tước quyền điều khiển các phương tiện khác. Người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện khác nếu GPLX tương ứng với loại xe đó vẫn còn điểm theo quy định của pháp luật.
Quy trình phục hồi điểm trên giấy phép lái xe
Khi GPLX bị trừ hết điểm, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải ngừng lái xe trong thời gian tối thiểu là 6 tháng.Sau thời gian này, để được cấp lại đầy đủ 12 điểm, tài xế sẽ phải tham gia kiểm tra lại kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Bài kiểm tra sẽ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức và gồm hai phần: phần lý thuyết và phần thực hành xử lý tình huống mô phỏng trên máy tính.
Tuy nhiên, theo khoản a, điều 5 của Thông tư 65/2024 do Bộ Công an ban hành, người điều khiển xe máy có GPLX hạng A1 hoặc A chỉ cần hoàn thành phần thi lý thuyết là đã đủ điều kiện để phục hồi điểm.

Được biết, nếu người điều khiển phương tiện không vi phạm luật giao thông trong vòng 12 tháng liên tiếp thì số điểm sẽ được giữ nguyên, hoặc được phục hồi về mức tối đa là 12 điểm nếu trước đó đã từng bị trừ.
Ngược lại, nếu có tái phạm, thời gian phục hồi điểm sẽ tính lại từ lần vi phạm gần nhất. Trong trường hợp vi phạm bị trừ điểm vượt quá số điểm còn lại, GPLX sẽ lập tức trở về mức 0 điểm.
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ việc cấp mới, đổi GPLX hoặc nâng hạng không làm thay đổi số điểm hiện tại của bằng lái. Điều này nhằm tránh tình trạng người vi phạm tìm cách "lách luật" bằng cách xin cấp lại hoặc nâng hạng để xóa điểm vi phạm.