Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô hybrid để thúc đẩy sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường.
Theo Luật số 03/2022 có hiệu lực từ ngày 01/03/2022 đến 28/02/2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô thuần điện chạy pin đã được giảm đáng kể từ 15% xuống còn 3%.
Tuy nhiên, các dòng xe hybrid, bao gồm cả xe hybrid thông thường (không cắm sạc) và xe plug-in hybrid (có cắm sạc), không được hưởng mức ưu đãi thuế này.
Cụ thể, xe hybrid không cắm sạc vẫn chịu mức thuế từ 35% - 150% tùy theo dung tích, trong khi xe plug-in hybrid chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế của xe chạy bằng xăng, dầu cùng dung tích.
Tại một hội thảo vừa diễn ra vào ngày 01/08 vừa qua, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã chia sẻ về những khó khăn mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang các dòng xe thân thiện với môi trường.
Trong đó bao gồm suy thoái kinh tế sau đại dịch, cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện giá rẻ từ nước ngoài.
Vì vậy, đại diện từ Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG cùng VAMA đã đề xuất chính phủ ưu đãi thuế cho các dòng xe hybrid.
Cụ thể, kiến nghị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid không cắm sạc ở mức 70% so với xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại. Trong khi đó, mức thuế của xe plug-in hybrid được đề xuất giảm từ 70% xuống 50%.
Hiện nay, tô điện đang dần trở thành xu hướng. Phân khúc này có nhiều chủng loại, bao gồm xe hybrid không cắm sạc và xe hybrid có cắm sạc, đều sử dụng động cơ xăng kết hợp với mô-tơ điện. Ngoài ra còn có xe chạy hoàn toàn bằng điện.Ba loại xe này đều đa dạng về mẫu mã, từ xe đô thị đến SUV cỡ lớn và xe bán tải.
Trong một văn bản gửi đến Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra rằng việc dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đưa ra mức thuế ưu đãi cho xe plug-in hybrid mà không áp dụng cho xe hybrid không cắm sạc là chưa thật sự hợp lý.
Theo VCCI, xe hybrid không cắm sạc, mặc dù không có hệ thống sạc điện riêng, vẫn góp phần giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và là một bước đệm quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang xe điện thuần túy, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc và công nghệ sạc điện vẫn chưa phổ biến rộng rãi.
Vì thế, tổ chức này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu và đưa ra chính sách ưu đãi thuế thấp hơn cho các dòng xe hybrid không có hệ thống sạc điện, nhằm khuyến khích sự chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự chấp nhận của người tiêu dùng.
Theo KPMG và VAMA, xe hybrid mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường, đặc biệt là trong việc giảm phát thải CO2.
Việc phát triển các dòng xe này không chỉ thúc đẩy đầu tư và nghiên cứu về công nghệ hybrid mà còn góp phần phát triển hạ tầng trạm sạc và nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp ô tô.
Các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế và xã hội tương tự Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đã áp dụng các chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng xe hybrid không cắm sạc có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải từ 30 - 40% so với xe chạy xăng. Đối với xe plug-in hybrid, tỷ lệ giảm phát thải này có thể lên tới 50%.
Tuy nhiên, giá của xe hybrid hiện tại vẫn cao hơn từ 10 - 20% so với xe chạy xăng, điều này làm giảm sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng về việc chuyển đổi sang sử dụng xe hybrid.
Nếu như các đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, ước tính cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030 có thể giảm khoảng 23.500 tỷ đồng.
Mặt khác, lợi ích thu được từ việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm nhiên liệu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều, với tổng lợi ích kinh tế ước tính đạt hơn 3.600 tỷ đồng trong cùng kỳ.