Theo đề xuất của Bộ Công an, giấy phép hạng A1 sẽ được cấp cho người lái xe máy phân khối đến 125 cc, thay vì từ 50 đến dưới 175 cc như quy định hiện nay. Đồng thời, giấy phép lái ôtô hạng B1 và B2 sẽ được gộp thành hạng B.
Nội dung chính
Bộ Công an đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe
Tháng 4 vừa qua, Bộ Công an đã đưa ra dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đề xuất một loạt thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe.
Theo đó, hạng A1 sẽ được cấp cho người lái xe máy có phân khối đến 125 cc hoặc động cơ điện có công suất đến 11 kW. Hạng A được dành cho xe máy có phân khối lớn hơn A1.
Đối với hạng B1, giấy phép sẽ cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe thuộc hạng A1, trong đó, người khuyết tật được phép lái mô tô ba bánh. Những giấy phép thuộc các hạng này sẽ không có thời hạn.
Dự thảo này có những thay đổi đáng kể so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Hạng A1 trong luật hiện hành áp dụng cho xe máy từ 50 cc đến dưới 175 cc, trong khi hạng A2 dành cho xe có phân khối lớn hơn.
Giới hạn phân khối của hạng A1 giảm từ 175 cc xuống 125 cc. Đồng thời, hạng A sẽ thay thế hạng A2 và hạng B1 sẽ thay thế hạng A3.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung việc phân loại hạng A1 và A dựa trên công suất động cơ điện, phù hợp với sự phát triển của thị trường xe điện Việt Nam và quốc tế.
Với người lái ôtô, Bộ Công an đề xuất giấy phép hạng B có thời hạn 10 năm, dành cho người lái xe đến 8 chỗ, xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng tối đa 3,5 tấn. Hạng A4 dành cho máy kéo một tấn sẽ bị loại bỏ, trong khi người khuyết tật lái ôtô số tự động sẽ được cấp giấy phép hạng B.
Bộ Công an cũng đề xuất gộp hạng B1 và B2 hiện nay thành hạng B. Hạng C dành cho người lái xe tải trên 3,5 tấn sẽ tách thành C1 (3,5 - 7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn).
Hạng D (10 - 30 chỗ) sẽ được chia thành D1 (8 - 16 chỗ) và D2 (16 - 29 chỗ).Hạng E (trên 30 chỗ) sẽ được thay thế bằng hạng D, gồm cả xe giường nằm và xe buýt.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 | Luật Giao thông đường bộ 2008 | ||
Hạng | Cấp cho lái xe | Hạng | Cấp cho lái xe |
A1 | Xe môtô phân khối đến 125 cc hoặc công suất động cơ điện đến 11kw và người khuyết tật lái môtô ba bánh | A1 | Môtô phân khối từ 50 đến dưới 175 cc và người khuyết tật lái môtô ba bánh |
A | Môtô >125 cc hoặc 11 kw | A2 | Môtô >175 cc |
B1 | Môtô ba bánh | A3 | Môtô ba bánh |
B | Ôtô 8 chỗ (không kể chỗ lái xe) hoặc xe tải 3,5 tấn và người khuyết tật | A4 | Máy kéo 1 tấn |
C1 | Ôtô tải 3,5-7,5 tấn | B1 | Ôtô đến 9 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn (lái xe không chuyên) |
C | Ôtô tải >7,5 tấn | B2 | Ôtô đến 9 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn (lái xe chuyên nghiệp) |
D1 | Ôtô 8-16 chỗ ngồi | C | Ôtô tải, máy kéo từ 3,5 tấn |
D2 | Ôtô 17-29 chỗ ngồi | D | Ôtô 10-30 chỗ |
D | Ôtô từ 30 chỗ ngồi, xe giường nằm | E | Ôtô trên 30 chỗ |
Khuyến khích đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa
Người dân sử dụng giấy phép lái xe được cấp trước khi luật mới có hiệu lực vẫn có thể tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép.
Bộ Công an khuyến khích những người đang sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, cấp trước ngày 01/07/2012, đổi sang thẻ nhựa PET để chuẩn hóa dữ liệu, hỗ trợ quản lý theo chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thông tin giấy phép mới sẽ được tích hợp vào ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Hiện nay, giấy phép lái xe không thời hạn (A1, A2 và A3) tồn tại dưới cả dạng giấy và thẻ nhựa. Giấy phép bằng giấy không thể cập nhật vào VNeID vì thiếu số chứng minh nhân dân hoặc ngày tháng năm sinh. Do đó, Bộ Công an tin rằng việc chuyển sang thẻ nhựa sẽ giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong dự thảo lần này, việc chuyển đổi giấy phép lái xe từ bản giấy sang thẻ nhựa chỉ mang tính "khuyến khích" thay vì "bắt buộc" như đề xuất tháng 09/2023. Phí đổi thẻ là 135.000 đồng, không cần khám sức khỏe hay hồ sơ giấy phép cũ.
Theo thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái xe mô tô không thời hạn, được cấp từ năm 1995 đến tháng 07/2012.