Theo kế hoạch, BYD sẽ bắt đầu triển khai sản xuất đại trà và lắp đặt pin thể rắn cho xe điện vào khoảng năm 2027, hướng tới mục tiêu triển khai quy mô lớn sau năm 2030.
Vào ngày 15/2/2025, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Pin Thể Rắn Trung Quốc lần thứ hai, ông Sun Huajun - Giám đốc Công nghệ (CTO) của Shenzhen BYD Lithium Battery Co., Ltd. - đã công bố một bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp pin thể rắn.
BYD đã thành công trong việc sản xuất pin rắn 60Ah từ dây chuyền sản xuất thử nghiệm trong năm 2024. Theo ông Sun, công ty sẽ bắt đầu triển khai sản xuất đại trà và lắp đặt pin thể rắn cho xe điện vào khoảng năm 2027, hướng tới mục tiêu triển khai quy mô lớn sau năm 2030.
Pin thể rắn là một trong những công nghệ hứa hẹn nhất trong ngành công nghiệp xe điện, được cho là sẽ thay thế các loại pin lỏng hiện nay nhờ vào nhiều ưu điểm như khả năng an toàn cao, tuổi thọ dài và hiệu suất vượt trội.

Ông Sun cũng chia sẻ rằng, với sự phát triển của công nghệ và quy mô sản xuất, pin thể rắn ba thành phần (solid-state ternary) và pin lỏng ba thành phần (liquid-state ternary) có thể sẽ có mức giá gần như tương đương trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, ông Sun đã nhấn mạnh rằng BYD sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) cho thế hệ pin tiếp theo, bao gồm các loại pin rắn và các vật liệu mới. Ông đặc biệt nhắc đến pin thể rắn sử dụng chất điện phân sulfide như một trong những hướng đi quan trọng.
Theo dự đoán của ông, từ năm 2027 - 2029 sẽ là giai đoạn thử nghiệm của pin rắn sulfide, chủ yếu được sử dụng cho các mẫu xe điện trung và cao cấp. Sau giai đoạn này, từ 2030 - 2032, pin thể rắn sulfide sẽ bước vào giai đoạn mở rộng và sẽ được ứng dụng rộng rãi cho các mẫu xe điện phổ thông.
Ông Lian Yubo - kỹ sư trưởng về ô tô và là viện trưởng Viện nghiên cứu kỹ thuật ô tô BYD - cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi cho rằng: "Ba năm tới sẽ là giai đoạn khó khăn, và năm năm tới sẽ là khoảng thời gian thực tế hơn để pin rắn có thể được ứng dụng rộng rãi".
Tuy nhiên, ông Lian cũng nhấn mạnh rằng pin lithium iron phosphate (LFP) sẽ không bị loại bỏ trong vòng 15 đến 20 năm tới do chi phí sản xuất thấp và khả năng kiểm soát vật liệu tốt.
Ông dự đoán rằng pin rắn sẽ chủ yếu được sử dụng trong các mẫu xe cao cấp, trong khi pin LFP sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng cho các mẫu xe điện ở phân khúc phổ thông.

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ pin là trí tuệ nhân tạo (AI).Giáo sư, học giả Ouyang Minggao cho biết, AI đã mang lại một cú hích mạnh mẽ cho việc nghiên cứu và phát triển pin.
AI giúp khai thác và phân tích một lượng lớn dữ liệu, cải thiện hiệu quả nghiên cứu lên gấp một đến hai lần, đồng thời giúp tiết kiệm từ 70% đến 80% chi phí nghiên cứu.
Nền tảng đổi mới hợp tác pin thể rắn toàn Trung Quốc (CASIP) được thành lập vào tháng 1/2024 với sự tham gia của các "gã khổng lồ" trong ngành pin như CATL và BYD, nhằm thúc đẩy sự phát triển học thuật và công nghiệp của pin rắn tại Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học và sức mạnh tài chính hứa hẹn sẽ đưa ngành công nghiệp pin rắn phát triển mạnh mẽ và góp phần quan trọng vào sự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch.