Bị xe ngược chiều bật đèn pha làm lóa mắt, tài xế nên xử lý ra sao?

Trang Trang
Thứ sáu, 25/04/2025 18:30 PM (GMT+7)
A A+

Lái xe ban đêm thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là khi bị đèn pha từ xe ngược chiều chiếu thẳng vào mắt gây lóa. Tình huống tưởng chừng đơn giản này lại có thể dẫn đến mất lái và tai nạn nghiêm trọng.

Lái xe vào ban đêm trên các tuyến quốc lộ hoặc cao tốc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải tập trung cao độ và có kỹ năng xử lý tình huống tốt. 

Một trong những mối nguy hiểm thường gặp nhưng ít được quan tâm đúng mức chính là hiện tượng bị lóa mắt khi gặp xe ngược chiều bật đèn pha chiếu thẳng vào mắt. 

Dù không trực tiếp gây ra va chạm ngay lập tức, nhưng tình huống này có thể làm người lái mất phương hướng, không kịp xử lý các tình huống bất ngờ, từ đó dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trên thực tế, phần lớn các tình huống gây lóa mắt khi lái xe ban đêm đến từ thói quen sử dụng đèn sai cách của một bộ phận tài xế. Nhiều người thường xuyên để đèn chiếu xa (đèn pha) trong khi lưu thông trên đường, kể cả khi gặp xe đi ngược chiều.

Không ít người còn không phân biệt được thời điểm nào nên dùng đèn pha, thời điểm nào nên chuyển sang đèn cos (chiếu gần), dẫn đến việc sử dụng đèn một cách tùy tiện, thiếu ý thức và thiếu an toàn.

o-to-bat-den-pha

Một nguyên nhân khác đến từ việc một số xe đã được độ lại hệ thống đèn chiếu sáng hoặc lắp thêm đèn trợ sáng có cường độ cao vượt mức cho phép. Điều này khiến ánh sáng phát ra mạnh và chói hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn của xe đi đối diện.

Đặc biệt, với những xe tải lớn, do chiều cao đèn vượt trội so với ô tô con nên dù chỉ bật đèn cos đúng quy định thì ánh sáng vẫn có thể rọi thẳng vào mắt người điều khiển xe đối diện, nhất là các phương tiện gầm thấp.

Khi mắt người bị chiếu đèn pha mạnh trong môi trường tối, hiện tượng "mù tạm thời" (Temporary Blindness) có thể xảy ra. Đây là trạng thái mà mắt cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi từ môi trường tối sang ánh sáng chói. Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng điều tiết của mắt, quá trình này có thể kéo dài vài giây. 

Tuy nhiên, chỉ cần mất thị lực 2-3 giây khi xe đang di chuyển ở tốc độ cao (80-100 km/h), người lái đã "mù tạm thời" trên quãng đường dài 50-70 mét, đủ để gây nguy hiểm nếu có vật cản, xe khác hoặc chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện phía trước.

Bị xe ngược chiều bật đèn pha làm lóa mắt, tài xế nên xử lý ra sao? 625927

Không những vậy, ánh sáng mạnh còn khiến đồng tử co lại đột ngột, làm giảm khả năng quan sát trong bóng tối. Nếu tài xế bị cận, viễn hoặc đang mỏi mắt do lái xe đường dài, phản ứng với ánh sáng càng chậm, nguy cơ mất kiểm soát phương tiện càng cao.

Cách xử lý khi bị đèn pha chiếu thẳng vào mắt

Khi gặp tình huống bị xe ngược chiều bật đèn pha gây lóa mắt, điều quan trọng nhất là người lái cần giữ được bình tĩnh và xử lý chủ động. Tránh nhìn thẳng vào luồng sáng, thay vào đó hãy hướng tầm mắt sang bên phải đường, quan sát vạch kẻ làn hoặc mép đường để giữ đúng hướng di chuyển.Việc giảm tốc độ từ từ và giữ tay lái ổn định cũng rất cần thiết để tránh bị giật mình và đánh lái đột ngột.

Nếu ánh sáng quá chói, tài xế có thể nháy đèn pha một đến hai lần như một tín hiệu nhắc nhở xe đối diện hạ đèn. Đồng thời, nên tăng khoảng cách với xe phía trước để có đủ thời gian xử lý khi có tình huống bất ngờ phát sinh.

lai-xe-ban-dem

Đối với những người thường xuyên phải lái xe vào ban đêm, đặc biệt là trên các tuyến đường không có hệ thống đèn chiếu sáng, việc trang bị kính lọc ánh sáng màu vàng hoặc dán phim cách nhiệt chống chói là lựa chọn phổ biến giúp giảm thiểu tác động của ánh sáng mạnh và tăng khả năng quan sát.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm