Mới đây, Bộ Giao thông Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra trụ sở của tập đoàn ô tô lớn Toyota trong bối cảnh vụ bê bối về dữ liệu an toàn sai lệch ngày càng leo thang.
Nội dung chính
Trụ sở của Toyota bị Bộ Giao thông Nhật Bản kiểm tra
Vào ngày 04/06/2024, năm quan chức của Bộ Giao thông bắt đầu xem xét tài liệu và tiến hành phỏng vấn tại trụ sở Toyota ở tỉnh Aichi sau khi công ty thừa nhận sai phạm trong việc thử nghiệm ô tô.
Cuộc kiểm tra diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda, xin lỗi khách hàng và những người yêu xe. Ông cúi gập người, sau đó nói: "Chúng tôi đã bỏ qua quy trình chứng nhận và sản xuất hàng loạt các xe mà không thực hiện các bước phòng ngừa cần thiết".
Đồng thời, ông cũng bày tỏ hy vọng rằng chính phủ và các công ty vướng vào bê bối có thể cùng nhau đảm bảo quy trình thử nghiệm xe đúng quy định.
Năm 2023, Toyota đã bán được hơn 11 triệu chiếc ô tô. Tuy nhiên, công ty tuyên bố rằng các phát hiện này không ảnh hưởng đến sự an toàn của những mẫu xe đang vận hành.
Toyota hiện đã tạm dừng sản xuất ba mẫu xe là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross. Công ty cũng bị cáo buộc sử dụng các xe đã được chỉnh sửa trong các bài kiểm tra va chạm an toàn cho các xe không còn sản xuất nữa.
Nghi ngờ về chứng nhận an toàn
Một số nghi ngờ đã được đặt ra về các chứng nhận dẫn đến loạt thừa nhận gần đây của các công ty ô tô. Toyota cho biết trong một số trường hợp, các kỹ sư đã làm cho điều kiện thử nghiệm an toàn khắt khe hơn yêu cầu của cơ quan quản lý.
Trong buổi họp báo vào ngày 03/06/2024, ông Toyoda đã nói về sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn quy định và nhân viên tuyến đầu trong việc đảm bảo an toàn.
CEO Honda, ông Toshihiro Mibe, cho biết rằng trong môi trường tự chứng nhận, các công ty tự tiến hành thử nghiệm và chính phủ kiểm tra công việc. Ông Toyoda cũng ngụ ý rằng quy trình chứng nhận kéo dài là một "nút thắt quan liêu" đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Theo Satoru Aoyama, nhà phân tích và giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, quy định trong ngành ô tô Nhật Bản "được viết ra nhưng phụ thuộc vào sự diễn giải của từng cá nhân". Nếu các công ty phải trải qua quy trình chứng nhận quan liêu này, họ có thể mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều hãng xe Nhật Bản khác cũng vướng vào bê bối
Vụ bê bối này đã gây chấn động toàn ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, khi các hãng xe khác như Honda, Mazda và Suzuki cũng thừa nhận đã nộp dữ liệu sai lệch.
Honda cho biết hãng đã phát hiện sai phạm trong các bài kiểm tra liên quan đến tiếng ồn và công suất động cơ, nhưng khẳng định rằng các xe của hãng vẫn an toàn để lái.
Mazda đã tiết lộ rằng phần mềm điều khiển động cơ của các mẫu MX-5 RF và Mazda2 (hatchback) đã được chỉnh sửa trong quá trình thử nghiệm công suất.
Ngoài ra, các xe thử nghiệm va chạm của những mẫu ô tô đã ngừng sản xuất như Atenza/Mazda6 và Axela cũng bị sửa đổi không đúng quy định. Tuy nhiên, Mazda khẳng định các mẫu xe hiện đang sản xuất vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.
Trong khi đó, Suzuki chỉ gian lận trên một mẫu xe duy nhất là Alto thế hệ cũ. Theo Suzuki, khoảng cách dừng thực tế trong các bài kiểm tra phanh dài hơn so với số liệu ghi nhận, do áp lực đặt lên bàn đạp phanh không đủ mạnh để đạt các tiêu chuẩn pháp lý.
Bê bối an toàn của Daihatsu
Vào tháng 12 năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Daihatsu thuộc sở hữu của Toyota đã đóng cửa tất cả các nhà máy trong hơn một tháng, sau khi thừa nhận đã làm sai lệch các bài kiểm tra an toàn.
Một số xe đã được bán với nhãn hiệu Toyota. Hậu quả là, Daihatsu đã phải bồi thường cho hơn 400 nhà cung cấp trong nước trong thời gian các nhà máy của hãng bị ngừng hoạt động.